27/11/2024
Ngày 27/11, trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học chung thuộc Kế hoạch khoa học năm 2024, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo Đánh giá Kết quả nghiên cứu khoa học cuối năm 2024.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ; TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ; TS. Nguyễn Thu Vân, Phó bí thư Đảng uỷ Viện KHXH vùng Nam Bộ; BCH Công đoàn; BCH Chi đoàn Thanh niên và toàn thể cán bộ viên chức, người lao động.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng phát biểu đề dẫn chào mừng Hội thảo
Đây là hội thảo thường niên nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi học thuật, công bố kết quả nghiên cứu cũng như thảo luận các ý tưởng mới trong nghiên cứu khoa học.
Hội thảo Khoa học Đánh giá Kết quả Nghiên cứu Khoa học cuối kỳ năm 2024 được chia thành hai phiên. Phiên 1 bao gồm các tham luận trình bày một phần trong kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023-2024, Phiên 2 bao gồm các tham luận trình bày các kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở năm 2024.
Phiên 1 do PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, TS. Nguyễn Thu Vân là chủ trì có 6 tham luận như sau:
Tham luận 1: “Phát triển doanh nghiệp logistics tại TP.HCM trong bối cảnh mới” (TS. Đỗ Lý Hoài Tân trình bày) đã trình bày về những vấn đề vĩ mô, thị trường đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp logistics tại TP.HCM trong bối cảnh mới.
Tham luận 2: “Sử dụng bảo hiểm y tế trong tiếp cận dịch vụ y tế để điều trị bệnh mãn tính của cư dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long” (TS. Nguyễn Thị Nhung trình bày) đã phản phánh tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh còn hạn chế, nguyên nhân là do một số cơ sở y tế tư nhân gần nơi cư trú chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện khám chữa bệnh. Ngoài ra, tham luận cũng cho rằng chất lượng khám chữa bệnh cho những bệnh mãn tính tại các cơ sở y tế công gần nơi cư trú như trạm y tế chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Tham luận 3: “Di tích thời tiền sử muộn ở lưu vực sông Vàm Cỏ: Đặc trưng, niên đại và quan hệ với các di tích đồng đại ở miền Tây Nam Bộ” (TS. Nguyễn Quốc Mạnh trình bày) cho thấy diện mạo môi trường tự nhiên và đời sống xã hội của cư dân cổ. Qua các di tích khảo cổ học thời tiền sử muộn ở lưu vực sông Vàm Cỏ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của miền Tây Nam Bộ.
Tham luận 4: “Chuyên viên Đoàn Thanh niên Đông Nam Bộ trong xây dựng chính quyền số: Thực trạng và giải pháp” (TS. Nguyễn Thị Luyện trình bày) cho thấy vai trò quan trọng của chuyên viên Đoàn thanh niên trong xây dựng chính quyền số. Qua đánh giá thực trạng, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số khó khăn về thể chế, cơ chế, đào tạo nhân lực số, hạ tầng, nền tảng số của nhóm chuyên viên này trong phát triển chính quyền số.
Tham luận 5: “Kinh tế hợp tác và thực trạng các tổ chức kinh tế hợp tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long thông qua dữ liệu thứ cấp” (TS. Hoàng Thị Thu Huyền trình bày) cho thấy vai trò củaa kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp nông thôn ở đồng bằng Sông Cửu Long có những đóng góp nhất định về kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn.
Tham luận 6: “Vai trò của Phật giáo đối với phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ trong bối cảnh mới” (PGS.TS. Đỗ Hương Giang trình bày) trình bày hướng tiếp cận từ nguyên lý chuyên khởi của Phật giáo, từ đó thấy được mối quan hệ cộng sinh giữa con người với tự nhiên, qua đó bảo vệ môi trường tự nhiên cũng chính là bảo vệ cuộc sống con người.
PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, TS. Nguyễn Thu Vân
chủ trì phiên 1
Phiên 2 do TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, TS. Nguyễn Thị Luyện, TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt chủ trì có 7 tham luận bao gồm: “Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng (Nghiên cứu trường hợp huyện Hóc Môn, TP.HCM)” (ThS. Lê Thị Huyền), “Vai trò của mạng lưới xã hội và các hỗ trợ phi chính thức đối với người Việt trở về từ Campuchia trong tái định cư và hội nhập kinh tế - xã hội tại hồ Trị An, Đồng Nai” (ThS. Vũ Thị Thu Thanh), “Di vật bằng chì - thiếc trong văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ - Đặc trưng và giai đoạn phát triển” (ThS. Nguyễn Nhựt Phương), “Hoạt động sinh kế của người Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai hiện nay” (ThS. Phạm Thị Mỹ Trinh), “Việc làm và thu nhập của người Khmer ở ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” (ThS. Nguyễn Ngọc Anh), “Hiệu quả của việc áp dụng chiến lược sinh kế bền vững trong phát riển nông nghiệp ở huyện An Phú” (TS. Hà Thúc Dũng), “Chất lượng lao động ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương: hạn chế và giải pháp” (TS. Phan Tuấn Anh).
TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, TS. Nguyễn Thị Luyện, TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt
chủ trì phiên 2
Các tham luận đã trình bày những vấn đề liên quan đến chủ đề ở các lĩnh vực khảo cổ, dân tộc học, xã hội, sinh kế và kinh tế ở các địa phương tại vùng Nam Bộ. Các nghiên cứu đã có nhiều thảo luận có giá trị tham khảo, thực tiễn cao, là cơ sở để hình thành các ý tưởng nghiên cứu mới trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Hình ảnh toàn cảnh Hội thảo khoa học
Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn sôi nổi, nơi các nhà nghiên cứu, học giả thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và các đại biểu tham dự có cơ hội trao đổi, thảo luận và chia sẻ thông tin công bố kết quả nghiên cứu cũng như thảo luận các ý tưởng mới trong nghiên cứu khoa học.
Đại biểu, CBVC tham dự Hội thảo
Một số hình ảnh khác tại hội thảo: