29/12/2023
Ngày 28 tháng 12 năm 2023, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TPHCM với sự đồng hành của Công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư, Hạ tầng Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số”.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng phát biểu Đề dẫn Hội thảo
Dự hội thảo có: PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Nguyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên; Ông Nguyễn Tuấn Huy, Tổng thư ký Tổng hội liên hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam; Ông Trương Công Hoài Nhơn, Giám đốc điều hành, TAISEI Việt Nam; Bà Nguyễn Ngọc Kim Trâm, Quản lý vận hành cao cấp TAISEI Việt Nam; Ông Vy Nguyễn Phong, Giám đốc Kinh doanh TAISEI Việt Nam.
Vê phía Công ty SCII có: Ông Lê Văn Tấn, Chủ tich HĐQT; Bà Đặng Thu Nguyệt, Phó Chủ tịch HĐQT; Ông Đặng Thanh Việt, Tổng Giám đốc; Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc pháp lý.
Về phía Tỉnh Tây Ninh có: Nguyễn Thanh Cường, UBKT tỉnh Ủy Tây Ninh; ông Trần Đăng Tiến, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn; Ông Trần Huỳnh Như, Tỉnh Đoàn; Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Quỹ Tín dụng tỉnh Tây Ninh,..và nhiều đại biểu của Tây Ninh tham gia trực tuyến trên nền tảng số.
Về phía Viện Khoa hoc xã hội vùng Nam Bô có, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách Viện; TS Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng; PGS.TS Lê Thanh Sang, Nguyên Viện trưởng; TS Nguyễn Thị Luyện Tổng biên tập Tạp chí KHXH (TPHCM); và ngoài ra toàn thể cán bộ chủ chốt, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Viện.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm phân tích, chỉ ra và nhìn nhận lại các tiềm năng, lợi thế đặc thù và cơ hội, thách thức của Tây Ninh hiện nay, đặc biệt nội dung hội thảo đặt các vấn đề phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số để từ đó có những kiến giải, góp phần tận dụng thời cơ, cơ hội, hạn chế các thách thức, khó khăn để vượt lên phát triển mạnh mẽ bằng các định hướng chiến lược và căn cơ có tầm nhìn, với phương pháp, cách làm bài bản, căn cơ, khoa học, dài hạn, bền vững.
Hội thảo cũng chỉ ra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, kinh tế tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, từ năm 2020-2021, GRDP tăng lần lượt 3,23% và 0,88%, riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, GRDP đạt mức tăng trưởng 9,2%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,07%. Mức tăng bình quân 2,5 năm đạt 4,72%. Tiếp đó, GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD năm 2020 tăng lên 3.690 USD vào năm 2022, bằng 33,1% so mục tiêu đến năm 2025. Song trùng với các vấn đề phát triển kinh tế, Tây Ninh cũng đã thực hiện được nhiêu mục tiêu xã hội, môi trường đảm bảo sự phát triển đồng đều, toàn diện trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ hội, cũng còn nhiều thách thức trong phát triển, đặc biệt là phát triển bền vững. Cần có các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay, cần có phương thức, cách làm mới, sáng tạo để tạo đà cho sự kích hoạt quá trình phát triển một cách bền vững, vượt qua các thách thức và rào cản của nguy cơ tác động khách quan đưa lại. Một số giải pháp cần cân nhắc trong quá trinh phát triển một cách bền vững của Tây Ninh như:
Thứ nhất, cần rà soát và hoàn thiện các thể chế chính sách, chiến lược một cách toàn diện, đơn giản, cụ thể và hiệu quả. Đi vào các vấn đê thực chất và tính toán các chính sách, cơ chế có tầm vĩ mô nhưng rất cụ thể, khả thi để giải quyết các điểm nghẽn mà Tây Ninh đang mắc phải trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, hóa giải và tạo ra sự lan tỏa, đồng tâm hành động của bộ máy chính quyền, đến doanh nghiêp, người dân vì mục tiêu phát triển bền vững địa phương và mọi chủ thể tham gia, phát triển hài hòa cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính trách nhiệm xã hội, quốc gia đó là bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh biên giới.
Thứ hai, cần hoàn thiện chỉnh thể cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối liên kết vùng và đặc biệt quan tâm hạ tầng số từ đó là điều kiện thuận lợi để tạo đề kiểm soát, quản trị và phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phù số hiệu quả, thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững địa phương. Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số từ đó đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các yếu tố cầu thành hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi hệ thống chính quyền.
Thứ ba, cần nâng cao nhận thức về hôi nhập quốc tế và chuyển đổi số. Cần thực hiện quán triệt và truyền thông tốt để mọi chủ thể từ chính quyền nhà nước đến doanh nghiêp, người dân hiểu, đồng hành và chia sẻ cùng nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là một nội dung quan trọng quyết định cơ bản sự thắng lợi của chủ trương, định hướng trên. Vì thế, Tây Ninh cần xác định và triển khai thường xuyên, liên tục và trên bình diện rộng, đa dạng, hiệu quả hoạt động trên.
Thứ tư, xây dựng, phát triển kho dữ liệu số tạo thành kho dữ liệu lớn (Big data). Có thể nói việc tạo lập và xây dựng kho dữ liệu số sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết giúp chuyển đổi số khả thi và thành công. Và như vậy, để công cuộc chuyển đổi số thành công, mỗi địa phương như Tây Ninh trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu phải có chiến lược riêng tận dụng phù hợp lợi thế, đặc thù của địa phương trong phát triển gắn với bối cảnh hiện nay.
Thứ năm, đối với bối cảnh hội nhập quốc tế, Tỉnh Tây Ninh cần xây dựng lộ trình, phương thức kết nối và tận dụng lợi thế đặc thù gắn với tuyến mậu dịch ngoại biên trong phát triển kinh tế mậu biên gắn với các cửa khẩu lớn kết nối với Campuchia, Thái Lan, Lào và các nước Đông Nam Á. Thúc đẩy cùng việc tạo cơ sở hạ tầng kết nối, với tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài, con đường xuyên Á, tạo thành trung tâm mậu biên lớn gắn với cực tăng trưởng vùng Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh để tạo sự thúc đẩy, kích hoạt nguồn lực và tạo sự lan tỏa cho vùng Đông Nam Bộ và tạo dựng Tây Ninh thành Trung tâm của kinh tế mậu biên của vùng ĐNB cũng như vùng trọng điểm kinh tế phía Nam trong phát triển kinh tế mậu biên với các quốc gia lân cận.
Thứ sáu, ngoài ra, còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số như: Nguồn lực cho phát triển như nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ, nguồn nhân lực trong đó đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực số để phát triển. Cần có cơ chế thu hút và khuyến khích các hoạt động, chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, tài sản số, khai thác hiêu quả không gian số trong môi trường thực tế ảo để tận dụng các nguồn lực địa phương cho phát triển Tây Ninh nói riêng hay vùng, cũng như cả nước nói chung.
Đại diện Lãnh đạo SISS và Lãnh đạo các DN chụp hình lưu niệm sau Hội thảo
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số đang trở thành một bối cảnh lớn, có tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương. Bối cảnh trên tạo ra các cơ hội nhưng cũng nhiều nguy cơ, thách thức đòi hỏi Tây Ninh cũng như các địa phương cần minh định và chủ động trong quá trình phát triển để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
PV
Các báo đưa tin về Hội thảo:
https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-tay-ninh-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-va-chuyen-doi-so-656747.html
https://baochinhphu.vn/can-cu-huych-manh-me-de-du-lich-tay-ninh-phat-trien-102231228212312245.htm
https://nhandan.vn/de-tay-ninh-phat-trien-ben-vung-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-post789601.html
https://baomoi.com/thach-thuc-cua-tay-ninh-trong-chuyen-doi-so-c47937567.epi
https://vov.vn/xa-hoi/thach-thuc-cua-tay-ninh-trong-chuyen-doi-so-post1068453.vov
https://tuoitre.vn/khoi-day-cac-tiem-nang-von-co-cua-tinh-tay-ninh-20231228151013557.htm?gidzl=himiLdlZztkfsYrIVFxnUw7RALng_Q1skjroM6Zw_2VlYo1REFt-9ktOSLfhhQXqjemc237b5-iUUUlrVG
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/hop-tac-chia-se-nguon-luc-trong-dao-tao-nghien-cuu-khoa-hoc-va-tu-van-chinh-sach-1491917688