Hội thảo khoa học Quốc gia: “Phát huy giá trị truyền thống, khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn – 18 thôn vườn Trầu trở thành đô thị sinh thái của Thành phố Hồ Chí Minh”

13/04/2023

Sáng ngày 13 tháng 4 năm 2023, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện Hóc Môn tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia “Phát huy giá trị truyền thống, khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn – 18 thôn vườn trầu trở thành đô thị sinh thái của Thành phố Hồ Chí Minh”, tại Thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

 

Tham dự Hội thảo, về phía Thành phố Hồ Chí Minh: có đ/c Nguyễn Thị Hồng, Nguyên UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, TS Huỳnh Thành Lập, Nguyên UVBTV Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Lê Hoài Trung, Nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ, TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng – Trưởng cơ quan thường trực Tạp chí cộng sản Phía Nam, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, đ/c Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, huyện, quận tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía huyện Hóc Môn có: TS Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; đ/c Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đ/c Dương Hồng Thắng – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện và toàn thể Ban thường vụ huyện ủy, Lãnh đạo các phòng, ban và đoàn thể, MTTQ huyện Hóc Môn.

Về phía Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ: có PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách, TS Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng, và các cán bộ chủ chốt, các chuyên gia, nhà khoa học của Viện.

Về phía các trường, hội, viện nghiên cứu:  PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đ/c Trương Huy Minh Vũ, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, TS Lê Hữu Phước – Nguyên Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học KHXH &NV – Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tich Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM và các chuyên gia, nhà khoa học,..

 

Ban Chủ trì Hội thảo

 

Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; TS. Trần Văn Khuyên – Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện; PGS.TS. Nguyễn Văn Y – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Ông Dương Hồng Thắng – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Trong Báo cáo Đề dẫn, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng (Phó Viện trưởng phụ trách – Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng Hóc Môn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, còn là nơi có nhiều bản sắc văn hóa, đã góp phần tạo nên cốt cách của người Sài Thành nay như 18 thôn vườn trầu; Làng trầu, cau Bà Điểm; Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn; Làng nghề truyền thống đan đệm Xuân Thới Thượng...

 

PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng phát biểu Đề dẫn Hội thảo

 

Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa đô thị sinh thái sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau một cách phù hợp. Và hiệu quả cuối cùng đặt ra cho xây dựng và phát triển văn hóa đô thị sinh thái là hướng vào mục tiêu phục vụ con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân đô thị. Đồng nghĩa, mọi hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đô thị sinh thái phải đặt con người vào trọng tâm của quá trình phát triển, phấn đấu để con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đô thị.

Hội thảo đã nhận được 58 tham luận từ các nhà nghiên cứu, giảng viên trên cả nước, và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ viên chức đang công tác tại địa phương. Với 58 bài tham luận được lựa chọn trong kỷ yếu hội thảo đã phác họa vấn đề quan trọng về chủ đề phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn - 18 thôn vườn trầu trở thành đô thị sinh thái của TP. Hồ Chí Minh. Các bài tham luận được chia thành 8 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất: Cơ sở lý luận và pháp lý của sự hình thành, phát triển của đô thị vệ tinh và liên hệ thực tế đối với huyện Hóc Môn, gồm 6 bài. Những bài này trình bày về việc đô thị hóa là tất yếu, là xu hướng chung của toàn thế giới. Hóc Môn là một trong những huyện ngoại thành được định hướng quy hoạch phát triển thành đô thị sinh thái, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điều này mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc phát triển Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái. Dựa trên lý thuyết và thực tiễn phát triển đô thị sinh thái, các bài viết đưa ra những đề xuất để Hóc Môn phát triển theo định hướng đô thị sinh thái.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy

 

Nhóm thứ hai: Lịch sử và truyền thống Cách mạng của quê hương mười tám thôn vườn trầu, gồm 10 bài. Các tác giả đã phân tích những tiềm năng tạo điều kiện cho Hóc Môn trở thành trung tâm du lịch trong tương lai. Hóc Môn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi đây lưu dấu nhiều di tích lịch sử ghi lại những chiến công oai hùng của nhân dân Mười tám thôn vườn trầu. Các bài viết  đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, đặc biệt gắn với phát triển du lịch. Từ đó nhằm góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Nhóm thứ ba: Văn học nghệ thuật và văn hóa truyền thống, gồm 6 bài. Ở nhóm này, một số bài viết tập trung giới thiệu các nhân vật lịch sử có đóng góp trong lịch sử hình thành và phát triển của Hóc Môn; Một số bài viết phân tích các giá trị văn hóa trong kiến trúc, nghi lễ, phong tục, tập quán ở Hóc Môn.

Nhóm thứ tư: Giá trị nhân văn và nguồn lực con người, gồm 6 bài. Chủ đề trong nhóm này tập trung vào nguồn nhân lực của huyện Hóc Môn. Hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức của huyện khá dồi dào và kỹ năng tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng kịp thời xu thế hiện nay của Thành phố, cần có những giải pháp phù hợp để phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Một số bài viết tập trung vào vấn đề giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên. Ngành giáo dục huyện trong thời gian tới cần phải có những bước chuẩn bị tốt để tạo nên khâu đột phá trong sự phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực tốt để thích ứng với những thay đổi khi Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái.

 

Đ/c Dương Hồng Thắng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Huyện

 

Nhóm thứ năm: Giá trị của dân tộc, tôn giáo, gồm 5 bài. Các bài viết tập trung nói về một số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các ngôi chùa, miếu ở Hóc Môn. Qua những hoạt động này đã rèn luyện cho con người tính tự lập, kỷ luật, chuyển biến nhận thức và điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực, trở thành người công dân có ích trong xã hội, đồng thời phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giữa con người với con người, giữa các cộng đồng tộc người trong huyện với nhau.

Nhóm thứ sáu: Kinh nghiệm phát huy giá trị nhân văn trong xây dựng đô thị và định hướng, cơ chế phát triển đô thị thông minh bản sắc, gồm 6 bài. Các bài viết tập trung trình bày về giá trị di sản lịch sử, văn hóa, phát triển kinh tế, phát triển du lịch… của vùng đất Hóc Môn trong tiến trình xây dựng đô thị sinh thái. Đồng thời, các bài viết chỉ ra những thách thức đối với địa phương dưới tác động của quá trình đô thị hóa. Trên cơ sở đó, xác định một số vấn đề cần thực hiện nhằm phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa ở Hóc Môn theo định hướng phát triển thành đô thị sinh thái trong tương lai gần.

Nhóm thứ bảy: Tiềm năng, lợi thế của huyện Hóc Môn trong định hướng phát triển huyện Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái của Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 10 bài. Các bài viết tập trung vào chủ đề về tiềm năng và lợi thế của Hóc Môn - 18 thôn vườn trầu, trong phát triển huyện trở thành đô thị sinh thái. Một số bài tập trung vào phát triển du lịch, kiến tạo bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và đưa ra một số giải pháp cho huyện Hóc Môn trong tiến trình trở thành đô thị sinh thái vùng ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh.

Nhóm thứ tám: Kiến nghị, giải pháp, gồm 9 bài. Các bài viết tập trung vào vấn đề phát triển nguồn nhân lực công vụ đáp ứng chuyển đổi số và xây dựng chính quyền đô thị, thiết lập các chính sách đặc thù để xây dựng thành phố thông minh, đồng thời đưa ra một số giải pháp, kiến nghị đối với chính quyền huyện Hóc Môn nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, hoạch định, chiến lược trở thành đô thị sinh thái trong thời gian tới.

 

Chủ tọa và thư ký Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các vấn đề được trình bày và thảo luận gồm: Thử đi tìm một mô hình cho Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ; Xây dựng Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái: Tiềm năng và thách thức; Tiềm năng lợi thế của huyện Hóc Môn trong định hướng phát triển trở thành đô thị sinh thái đậm đà bản sắc của Thành phố; Phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hoá của vùng đất Hóc Môn trong tiến trình xây dựng đô thị hoá; Định vị và phát huy những giá trị truyền thống của nhân dân Hóc Môn trong lịch sử. Các tác giả đặt vấn đề Hóc Môn có nên giữ lại một phần tam nông trước làn sóng phát triển công nghiệp, cần nhận thức lại vai trò của nông thôn trong đô thị, và Hóc Môn cần tham khảo các mô hình tam nông ở Nhật Bản, Singapor, Đu bai để phát triển một cách bền vững, hài hoà. Các vấn đề về lý luận, định hướng, các tiêu chí và giải pháp nhằm xây dựng huyện Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái của Thành phố Hồ Chí Minh; Ngoài ra, các tác giả gợi ý về việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản lịch sử-văn hoá của Hóc Môn trong bối cảnh hiện nay. Các nội dung được trình bày tại Hội thảo, đặt ra các vấn đề trọng yếu nhằm định hướng phát triển huyện Hóc Môn trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Hóc Môn) cho rằng Hội thảo hôm nay mục đích tìm hướng đi, hướng phát triển của huyện Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái và nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy, cần làm rõ nội hàm, cấu trúc đô thị sinh thái, đô thị vệ tinh và cấu trúc, đặc trưng là gì? Huyện Hóc Môn đã có gì, còn thiếu gì? Cần phải làm gì? Tiêu chí cần thiết để từ huyện lên quận và trở thành đô thị sinh thái. Theo tôi, trước hết huyện cần thực hiện một số công việc như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời cần có sự hỗ trợ, phối hợp với Thành phố để cùng đưa ra các định hướng phát triển chi tiết, cụ thể.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo

 

TS. Huỳnh Thành Lập (nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, nguyên Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá 13) nêu từ góc độ cá nhân, tôi rất là vui khi nhận được Thư mời từ Hội thảo, cảm ơn PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng – Viện Nam Bộ đã hỗ trợ và xây dựng những bài tham luận có giá trị đóng góp cho sự phát triển của huyện Hóc Môn. Tôi mong huyện có sự phát triển một cách toàn diện, tuy nhiên cần chú ý việc phát triển nông nghiệp trong đô thị. Phát huy những truyền thống văn hóa, lịch sử, di tích để huyện giữ được bản sắc văn hóa riêng. Chúng ta khơi dậy, nhắc lại những truyền thống của huyện từ thời khẩn hoang cho đến nay.

 

TS. Huỳnh Thành Lập phát biểu tại Hội thảo

 

Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được ý kiến đóng góp của ông Lê Hoài Trung (nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận 12) cho rằng Hội thảo đã tổng kết trí tuệ của các nhà khoa học, có nội dung phong phú và có giá trị thực tiễn, đã đóng góp cho huyện Hóc Môn xây dựng thành đô thị sinh thái và phát huy giá trị truyền thống của huyện.

Hiện nay, huyện cần tăng tốc và chú trọng phát triển trường học, bệnh viện …và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi từ huyện lên quận, huyện cần có tầm nhìn chiến lược 5 đến 10 năm sau, như: Tổ chức bộ máy, sắp xếp lại khu phố, ấp tại phường. Tính nhân sự như thế nào, trình độ của nhân sự đáp ứng được yêu cầu công việc. Chuẩn bị qui hoạch nguồn lực để lên thành phố đây là điều quan trọng nhất; Học hỏi kinh nghiệm và có những đề tài nghiên cứu, lựa chọn những phương thức, cách thức đi nhanh hơn, hiệu quả hơn; Nên xem xét phát triển nông nghiệp công nghệ cao, còn nông nghiệp truyền thống rất nhiều thách thức và khó khăn. Đối với Du lịch sinh thái cần tính kĩ nguồn lực, tính hấp dẫn của nó để thu hút du khách. Cần có sự kết hợp với các nguồn lực bên ngoài.

Đại diện Ban Tổ chức TS. Trần Văn Khuyên (Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện) đánh giá, tổng kết Hội thảo: Các bài viết đã cung cấp các luận cứ khoa học có giá trị, góp phần tổng kết thực tiễn, dự vấn, khuyến nghị các giải pháp, định hướng mô hình, nhiệm vụ để làm cơ sở tham vấn xây dựng Đề án “Đầu tư - xây dựng huyện Hóc Môn thành quận hoặc thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2030” đảm bảo vừa có tính khoa học, vừa sát thực tiễn, phát triển huyện Hóc Môn theo hướng bền vững trong bối cảnh, điều kiện mới. Nhiều bài viết của Hội thảo có nội dung phong phú, bổ sung nhiều chất liệu mới cho quá trình hình thành, đấu tranh, gìn giữ nét đẹp lịch sử - văn hóa của vùng đất Hóc Môn – 18 Thôn Vườn trầu, một lần nữa đã khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển huyện Hóc Môn thành đô thị sinh thái Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hóc Môn trong việc duy trì, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân cũng như các nhà đầu tư.

 

TS. Trần Văn Khuyên đánh giá, tổng kết Hội thảo

 

Các bài tham luận, các phát biểu cũng đã đề cập vai trò, trách nhiệm trong việc xác định, định hướng, mô hình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn trong tương lai. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền huyện Hóc Môn, còn cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là sự đồng thuận, đồng lòng, chung tay của Nhân dân trên địa bàn huyện.Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị huyện đang phấn đấu thực hiện bằng việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân , tạo môi trường làm ăn và phát triển.

Hội thảo là cơ hội cho huyện Hóc Môn giới thiệu nhiều dự án mời gọi đầu tư, các mô hình, sản phẩm sản xuất kinh tế có hiệu quả trên địa bàn huyện. Hội thảo cũng đã ghi nhận các tham luận và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia về phát huy các giá trị nội tại, quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, kết hợp khơi dậy tiềm năng xây dựng huyện Hóc Môn trở thành đô thị sinh thái của Thành phố; đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi cao để cải thiện môi trường đầu tư cộng với các khuyến nghị nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào huyện Hóc Môn trong thời gian tới.

 

Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

 

                                                                  Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/4/2023

Lê Huyền

Tổ công tác truyền thông,

Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ

Một số trang báo cùng đưa tin buổi Hội thảo:

1. Trang tin điện tử Đảng Bộ Thành phố Hồ Chí Minh

https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/xay-dung-huyen-hoc-mon-tro-thanh-do-thi-sinh-thai-cua-tphcm-1491907209

2. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

https://plo.vn/ve-hoc-mon-trong-rau-liep-nghe-don-ca-tai-tu-post728684.html

3. Báo phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh

https://www.phunuonline.com.vn/huyen-hoc-mon-se-len-quan-hay-thanh-pho-a1489452.html

4. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Phat-huy-gia-tri-truyen-thong-khoi-day-tiem-nang-xay-dung-huyen-Hoc-Mon-18-thon-vuon-Trau-tro-thanh-do-thi-sinh-thai-1428

Các tin đã đưa ngày:
Liên kết Website