Tóm tắt: Mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, sự giao lưu văn hóa cũng như các yếu tố tộc người giữa Tây Nguyên với miền duyên hải Nam Trung Bộ và các vùng lân cận trong lịch sử đã được khẳng định qua sự hiện diện của các di tích kiến trúc đền, tháp và hiện vật điêu khắc Hindu giáo, Phật giáo cùng với văn bia Champa (thế kỷ VII – XVI) phát hiện trên địa bàn vùng cao nguyên này. Những phát hiện gần đây về các di tích Phật giáo ở Tây Nguyên đã bổ sung thêm tư liệu khảo cổ học về sự giao lưu văn hóa - tín ngưỡng giữa hai khu vực vào giai đoạn sớm trước thế kỷ X.
Nghiên cứu giới thiệu tư liệu về các dấu tích văn hóa cổ liên quan đến Phật giáo và Hindu giáo ở Tây Nguyên, góp phần làm rõ thêm về lịch sử - văn hóa vùng đất này từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 10(317)2024
Tác giả: NGUYỄN QUỐC MẠNH
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến hoạt động sinh kế của người Mạ tại xã Tà Lài dưới sự tác động của chính sách, cũng như của quá trình chuyển biến về kinh tế - xã hội tại địa phương trong những năm qua. Qua đây cho thấy sự thích ứng trong sinh kế của cộng đồng người Mạ và kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến giữa các tộc người trên địa bàn xã. Từ thực trạng hoạt động sinh kế được phân tích và làm rõ, bài viết chỉ ra những thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng người Mạ trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(317)2024
Tác giả: Phạm Thị Mỹ Trinh
Tóm tắt: Nam Bộ là một vùng lãnh thổ quan trọng của Việt Nam từ khi được bắt đầu khai phá cho đến hiện nay. Con người và vùng đất này hội tụ nhiều sắc thái đa dạng riêng có trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Bài viết tiếp cận theo hướng sử học, sử dụng nguồn sử liệu Hán Nôm liên quan, đã được dịch và xuất bản, nghiên cứu một số đặc điểm và tính chất trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi ở Nam Bộ (1833 - 1835) dưới thời vua Minh Mạng; đồng thời tìm hiểu thái độ và ứng xử của vương triều này trước cuộc nổi dậy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự biến Lê Văn Khôi là hậu quả của những ứng xử chính trị thiếu thận trọng của triều đình trên vùng đất Nam Bộ; để khắc phục hậu quả này, triều đình Minh Mạng đã nỗ lực dập tắt cuộc nổi dậy và có những ứng xử thỏa đáng để giữ lấy lòng dân.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 10(317)2024
Tác giả: LÊ THỊ VĨ PHƯỢNG