Tóm tắt: Di tích lịch sử là minh chứng sống động của một thời kỳ lịch sử. Việc tổ chức khai thác hệ thống di tích lịch sử phục vụ du lịch góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Long An là tỉnh có khá nhiều di tích lịch sử, trong đó di tích lịch sử Giồng Dứa là một trong những di tích lịch sử cần được bảo tồn và đưa vào phục vụ tham quan du lịch. Trên cơ sở khảo sát thực tế và tài liệu thành văn, bài viết này giới thiệu về di tích lịch sử Giồng Dứa cùng kết nối với một số di tích lịch sử thành tuyến tham quan du lịch trải nghiệm tại địa bàn huyện Đức Hòa, và thông qua đó gợi mở một số đề xuất cho việc phát triển du lịch tại vùng đất này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 11(304)2023
Tác giả: NGUYỄN THU VÂN - NGUYỄN THỊ KIM NƯƠNG
Tóm tắt: Người Chăm sống tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang theo tôn giáo Islam và kinh Qur’an đặc biệt quan trong trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên trong quá trình cộng cư, cộng đồng người Chăm đã có sự thích nghi và hòa nhập. Từ tư liệu thu thập và kết quả khảo sát cho thấy, ngày nay bên cạnh các hoạt động kinh tế truyền thống, người Chăm Islam ở thị xã Tân Châu tỉnh An Giang đã năng động tham gia vào những hoạt động kinh tế mới; đặc biệt phụ nữ Chăm đã nỗ lực làm việc tạo thu nhập cho gia đình – một trách nhiệm trước đây vốn được xem là của đàn ông.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 11(304)2023
Tác giả: HÁN THỊ THANH LAN
Tóm tắt: Phú Vinh là một xã miền núi thuộc huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Năm 2010, còn là địa phương có tình hình kinh tế hết sức khó khăn, Phú Vinh được chọn làm một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Định Quán. Kể từ đây, diện mạo Phú Vinh đã có sự thay đổi mạnh mẽ với bước chuyển mình từ xã nông thôn mới, đến xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bài viết điểm lại những thành tựu, những kinh nghiệm trong 12 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2022), của xã Phú Vinh qua đó, đưa ra những bàn luận mang tính kiến nghị về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 11(304)2023
Tác giả: TRỊNH THỊ LỆ HÀ
Tóm tắt: Sự phát triển mạnh các khu công nghiệp và công ty xí nghiệp tại tỉnh Long An đã tác động đến sinh kế của rất nhiều người dân. Từ kết quả nghiên cứu với phương pháp lịch sử qua lời kể (Oral History), bài viết trình bày một bức tranh đa dạng và sinh động quá trình chuyển đổi về việc làm của người dân xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, địa phương đại diện cho quá trình công nghiệp hóa tại Long An.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 11(304)2023
Tác giả: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG YẾN
Tóm tắt: Những năm gần đây, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ cao của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác phòng và chống dịch HIV trong thời gian qua. Bài viết sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu định tính tìm hiểu tác động từ tâm thức của người đồng tính nam nhiễm HIV tại TPHCM trong việc tiếp nhận điều trị bằng ARV. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm này do thường được tích hợp vào MSM nên tạo cho họ một dạng tâm thức được kiến tạo bởi sự giao cắt của các định kiến xã hội về “đồng tính” và “HIV”. Tâm thức này đã có những tác động khá bất lợi cho người đồng tính nam nhiễm HIV trong việc đưa ra các quyết định về điều trị ARV. Do đó cần có sự thay đổi về nhận thức đối với người đồng tính nam trong sự phân biệt với nhóm MSM và hướng tới giảm bớt kỳ thị về giới. Nghiên cứu bổ sung thêm một góc nhìn lý giải nguyên nhân khiến công tác phòng, chống HIV tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 11(304)2023
Tác giả: PHÙ KHẢI HÙNG
Tóm tắt: Cát Tiên là một khu di tích khảo cổ gồm tám phế tích kiến trúc phân bố dọc theo sông Đồng Nai, gần thị trấn Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Kết quả khai quật qua các giai đoạn 1994 - 1998, 2001 - 2006 và 2020 - 2021 cho thấy các kiến trúc Cát Tiên được xây dựng trong khoảng thế kỷ 7 đến thứ 9. Mặc dù là một khu đền thờ Ấn giáo lớn nhưng không phải tất cả tượng các vị thần đều có mặt ở di tích Cát Tiên, mà chỉ có tượng của Ganesha, Durga và Nandi được tìm thấy, tất cả đều liên quan trực tiếp đến Shiva. Các bức tượng ở đây có phong cách gần gũi với các điêu khắc của Chân Lạp và Champa, niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có kích cỡ khá nhỏ, thô và tạo hình kém tinh tế hơn, đây có thể là một đặc điểm địa phương của các tượng cổ ở Cát Tiên.
Từ khóa: di tích Cát Tiên, tượng cổ, Ganesha, Durga, Nandi
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 11(304)2023
Tác giả: ĐẶNG NGỌC KÍNH - ĐẶNG THỊ BÉ CHÂU