Tóm tắt: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tây Ninh không còn hộ nghèo vào năm 2020. Trên cơ sở thực trạng giảm nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh bài viết đưa ra các giải pháp khuyến nghị như: thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án; tăng nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế; có những chính sách hỗ trợ đặc thù để phục hồi sản xuất sau tác động của đại dịch COVID-19; nhân rộng mô hình hiệu quả cao giúp người dân tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn tới, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống của người dân nông thôn Tây Ninh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 12(280)2021
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT
Tóm tắt: Trong nhiều nghiên cứu, sức thuyết phục của kết quả nghiên cứu được thể hiện qua gắn kết với các quan điểm lý thuyết được ứng dụng. Mỗi nghiên cứu có thể chọn một hoặc vài lý thuyết tiếp cận thích hợp. Trong nghiên cứu về sức khỏe, đặc biệt là HIV/AIDS, các phương pháp tiếp cận nền tảng như tiếp cận dựa trên quyền con người, tiếp cận vốn xã hội, lý thuyết giới và quyền lực, lý thuyết hành vi có kế hoạch… giúp giải thích các nội dung đa dạng trong hành vi chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như mối quan hệ giữa hành vi chăm sóc sức khỏe với các yếu tố văn hóa xã hội và sự hòa nhập cộng đồng ở người nhiễm HIV.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 12(280)2021
Tác giả: LÊ THỊ MỸ
Tóm tắt: Bài viết vận dụng lý thuyết phân bổ nguồn nhân lực tương đối, cách tiếp cận tương đối văn hóa trong phân tích các yếu tố tác động đến quyền quyết định của người vợ và người chồng trong gia đình người Chăm Hồi giáo ở An Giang. Kết quả phân tích cho thấy, nam giới là người quyết định chính những việc “lớn”, “quan trọng”, điều đó cho thấy quyền quyết định của người chồng vẫn là một chuẩn mực ít thay đổi, cho dù có yếu tố văn hóa ảnh hưởng bởi chế độ mẫu hệ của người Chăm.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 12(280)2021
Tác giả: NGUYỄN ĐẶNG MINH THẢO - PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP
Tóm tắt: Quá trình thích nghi và hội nhập của người di cư đến nơi ở mới là một trong những chủ đề đã được nghiên cứu khá nhiều trên thế giới. Việt Nam cũng là một quốc gia có tỷ lệ di dân nội địa cao và đã có nhiều nghiên cứu về di dân. Bài viết tổng quan các quan điểm lý thuyết chủ yếu trong nghiên cứu quá trình hội nhập và thích nghi của người di cư trên thế giới để làm cơ sở cho việc nghiên cứu sự thích nghi, khó khăn của người di cư trong thời gian tới tại Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 12(280)2021
Tác giả: NGUYỄN THU VÂN
Tóm tắt: Tình trạng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người lao động từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc ở TPHCM chưa được đảm bảo, trong đó rào cản chính là sự hạn chế của việc tiếp cận thông tin. Từ kết quả khảo sát 28 hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi ở một xã nông thôn TPHCM về tiếp cận bảo hiểm y tế cho thấy, quyền tiếp cận thông tin về dịch vụ xã hội cơ bản chưa được đảm bảo do cha mẹ thiếu quan tâm, do mạng lưới xã hội yếu và tính hạn chế của việc truyền thông tin của các bên liên quan.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 12(280)2021
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH CHÂU