Tóm tắt: Bài viết sử dụng bốn bộ dữ liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) 2006, 2010, 2014 và 2018 để phân tích phân tầng xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ. Kết quả phân tích cho thấy, cơ cấu giai tầng ở Nam Bộ sau 12 năm vẫn mang đặc điểm của một xã hội công nghiệp chưa hoàn thành với các nhóm nghề thuộc tầng dưới trong tháp phân tầng chiếm tỷ lệ khá cao ở hầu hết các năm, còn các nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Cơ cấu giai tầng dựa trên nghề ở nông thôn và đô thị có sự khác biệt khá lớn, trong đó ở khu vực đô thị tháp phân tầng có hình quả trám ở hầu hết các năm khảo sát, thể hiện một xã hội công nghiệp phát triển, còn ở nông thôn tháp phân tầng vẫn mang hình kim tự tháp với tầng dưới chiếm tỷ lệ tương đối cao, điều này cho thấy cơ cấu xã hội ở nông thôn Nam Bộ vẫn mang dáng dấp của một xã hội nông nghiệp chưa phát triển. Trong đó, ở hai thời điểm 2010 và 2014 tỷ lệ các nhóm nghề thuộc tầng giữa trung và tầng giữa dưới đã giảm xuống khá rõ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 11 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN NGỌC TOẠI
Tóm tắt: Từ phân tích những thông tin định tính ba thế hệ của năm hộ gia đình có nguồn gốc nông thôn chuyển thành thị dân ở thời điểm hậu đô thị hóa tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM, bài viết tìm hiểu về sự thích ứng ngành nghề và định hướng giáo dục trong môi trường đô thị của các thành viên và quá trình thay đổi nhận thức của các hộ đến việc tiếp cận những nghề nghiệp mới. Qua đó cho thấy chuyển dịch kinh tế và điều kiện sống đã thay đổi nhận thức của thế hệ thứ nhất về nghề nghiệp, về giáo dục và từ đó có đầu tư nhất định để các thế hệ thứ hai và ba có những nền tảng phát triển bền vững trong tương lai
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 11 năm 2020
Tác giả: ĐÀO QUANG BÌNH
Tóm tắt: Nghiên cứu tác động của ý thức thuộc về (sense of belonging) một cộng đồng mới ở đô thị đến sự gắn kết xã hội của lao động di dân là một hướng nghiên cứu tương đối mới ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy cấu trúc cộng đồng lao động di dân chủ yếu dựa vào những mối quan hệ liên cá nhân, mạng lưới xã hội đồng hương hay đồng nghiệp. Ranh giới cộng đồng của lao động di dân gồm cả cộng đồng hữu hình lẫn cộng đồng mạng lưới ảo. Mặt khác, ý thức thuộc về tác động đến sự gắn kết xã hội của lao động di dân trên bình diện mạng lưới xã hội.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 11 năm 2020
Tác giả: ĐỖ HỒNG QUÂN
Tóm tắt: Bài viết tiếp cận một số đặc trưng gia đình truyền thống và những biến đổi trong gia đình của người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận và Bình Thuận dưới góc nhìn về các mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái đối với việc thực hiện các chức năng kinh tế và giáo dục của gia đình người Chăm Bàlamôn hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 11 năm 2020
Tác giả: TRỊNH THỊ NHÀI
Tóm tắt: Theo hướng tiếp cận xem mại dâm nam như một kiểu hiện tượng xã hội, bài viết phác họa lại bức tranh mang tính khái lược những vấn đề về nam giới hành nghề bán dâm qua các nghiên cứu lịch đại quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, từ xu hướng gia tăng mại dâm nam ở Việt Nam và luật hóa giải quyết thực trạng đã đặt ra những câu hỏi lớn về vấn đề này cho các nhà khoa học, lập pháp và thực thi chính sách.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 11 năm 2020
Tác giả: PHÙ KHẢI HÙNG
Tóm tắt: Quốc gia Nông tín cuộc là tổ chức nông tín công duy nhất tại Việt Nam Cộng hòa từ năm 1957 đến đầu năm 1967. Những năm 1960, Quốc gia Nông tín cuộc không thu hồi được nợ nên phải cải tổ thành Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp. Thất bại của Quốc gia Nông tín cuộc là do mô hình tổ chức phức tạp, vừa đóng vai cơ quan quản lý nhà nước vừa “kinh doanh” tín dụng, lệ thuộc nhiều vào các tầng nấc chính quyền trong hoạt động.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 11 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG YẾN
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​