Tóm tắt: Khâm Thiên giám là tên gọi của cơ quan đảm nhận công việc quan trắc thiên văn, chế tác lịch pháp…, chính thức đi vào sử sách dân tộc ở giai đoạn trị vì của vương triều Nguyễn, nhưng tiền thân của nó thì đã xuất hiện từ những thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một khảo cứu mang tính tổng thể và hệ thống về tên gọi, tiến trình ra đời và phát triển của Khâm Thiên giám trong lịch sử dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu, giải thích thuật ngữ “Khâm Thiên giám”, làm rõ sự thay đổi tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng và sự làm việc trong cơ quan này qua các triều đại, đặc biệt là dưới triều Nguyễn-giai đoạn Khâm Thiên giám được tổ chức quy củ và còn lưu lại nhiều dấu tích nhất cho đến ngày nay.
Nguồn:
Tác giả: TRƯƠNG ANH THUẬN
Tóm tắt: Nghiên cứu này xem xét sự thay đổi của loại hình đồ gốm trong các di tích thời kim khí ở lưu vực sông Vàm Cỏ và giải thích mối tương quan giữa quá trình chuyển đổi phong cách, kỹ thuật và các bối cảnh văn hóa. Phân chia loại hình học gắn với trật tự địa tầng cho thấy đồ gốm trong các di tích giai đoạn kim khí (3.000BP - 2.200BP) có tính kế thừa từ các loại nồi miệng loe, nồi khum không cổ, bát đĩa có chân đế của thời đá mới trước đó, đồng thời cho thấy quan hệ nguồn gốc và những giao lưu nội vùng với các di tích tiền sử Nam Bộ. Trong khi, đồ gốm giai đoạn tiền Óc Eo và Óc Eo sớm (2.200BP đến đầu Công nguyên) cho thấy nhiều sự thay đổi trong kỹ thuật và tạo hình, qua các loại gốm mịn, hình dáng quy chuẩn như bình, bát chân cao, ly cốc và nắp đậy, phong cách đồ gốm thời kỳ này có các ảnh hưởng ngoại lai, kết quả của luồng giao lưu văn hóa qua vùng Nam Bộ được mở rộng và tăng cường. Tuy vậy, do vị trí địa lý nằm sâu trong nội địa, vùng Vàm Cỏ đã có đủ sự tĩnh lặng để tiếp biến các yếu tố mới mà vẫn giữ được tính liên tục của phong cách bản địa qua các loại đồ gốm thô và gốm mịn xương đen, những nhân tố nội sinh của tập hợp gốm Óc Eo sau này.
Nguồn:
Tác giả: ĐẶNG NGỌC KÍNH
Tóm tắt: Bài viết trình bày những suy nghĩ về một số vấn đề sinh thái của các tín đồ Phật giáo và Công giáo trong sự đối chứng với nhóm không tôn giáo tại địa bàn xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM. Kết quả cho thấy sự tương đồng và khác biệt trong thái độ của các tín đồ Phật giáo, Công giáo và người không tôn giáo đối với vấn đề môi trường. Có thể nói, có sự khác biệt trong thái độ của các tín đồ chịu chi phối của các giá trị và niềm tin tôn giáo, đặc biệt về các chủ đề: vị trí và quyền của con người so với các loài khác, giá trị của các loài khác và trách nhiệm cùng bổn phận đạo đức của con người với các loài khác, mục đích của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Điều này gợi ý về việc khai thác ảnh hưởng của tôn giáo trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN THỊ THỊNH
Tóm tắt: Nghiên cứu sử dụng lý thuyết Thích nghi làm cơ sở lý luận trong việc tìm hiểu các nguyên nhân chấp nhận “chống chịu” của cư dân thay vì di dời, đồng thời đánh giá khả năng thích nghi của cư dân trước tác động của ngập lụt ngày càng nghiêm trọng ở đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Qua đó, tìm hiểu việc vận dụng lý thuyết phù hợp trong nghiên cứu khả năng chống chịu ngập lụt của dân cư, đặc biệt ở các nhóm dễ tổn thương hơn vùng cận kênh rạch bị ngập lụt thường xuyên.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN NGỌC DIỄM
Tóm tắt: Nghiên cứu xuyên ngành là một chủ đề thời sự trên thế giới trong vài thập niên qua. Bài viết giới thiệu khái niệm về nghiên cứu đa ngành, liên ngành, và xuyên ngành. Tiếp đó, bài viết thảo luận về một số thành quả và hạn chế trong thực tế nghiên cứu đa ngành, liên ngành, và xuyên ngành ở Việt Nam; kêu gọi một chương trình hành động thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu xuyên ngành ở Việt Nam.
Nguồn:
Tác giả: BÙI THẾ CƯỜNG
Tóm tắt: Ở Việt Nam, người ta cho rằng xã hội càng hiện đại thì phụ nữ càng tiệm cận với bình đẳng giới. Tuy nhiên, sự tiến bộ xã hội liên quan đến người phụ nữ vẫn bị soi xét khắt khe liệu nó có dẫn đến sự biến đổi văn hóa truyền thống vốn còn chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo và tính nam trị. Thêm vào đó, phụ nữ độc thân được xem như là hiện thân của sự độc lập, tự do và xu hướng cá nhân trong thách thức lại những giá trị thuộc về định chế hôn nhân-gia đình truyền thống. Những diễn ngôn về việc làm, cơ thể và tính tất yếu của hôn nhân-gia đình đặt tình trạng độc thân của người phụ nữ trong vòng phán xét tiêu cực. Để đối trọng lại những điều đó, phụ nữ độc thân kiến tạo cho mình những quan điểm phản tư về một cuộc sống độc thân có ý nghĩa và về sự bất định của hạnh phúc gia đình.
Nguồn:
Tác giả: THIỀU THỊ TRÀ MI
Tóm tắt: Bài viết phân tích khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi hộ cận nghèo vùng ven đô TPHCM, dưới góc độ quyền sức khỏe do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều người cao tuổi hộ cận nghèo đang bị bệnh và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Khó khăn lớn nhất là hạn chế về điều kiện kinh tế; bên cạnh đó là các hạn chế về chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương, khoảng cách địa lý, tiếp cận thông tin, nhận thức của người cao tuổi… Có thể nói những yếu tố trên đã ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi hộ cận nghèo.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN THỊ CÚC TRÂM
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​