Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội và sức khỏe con người. Bài viết xem xét ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tinh thần qua phân tích một số kết quả nghiên cứu trên thế giới và đánh giá tình hình ở Việt Nam. Kết quả đánh giá cho thấy giảm thiểu các tác động lâu dài, nguy hiểm của đại dịch COVID-19 đối với tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần của người dân, cán bộ y tế là yêu cầu cấp bách cần ưu tiên để ổn định sức khỏe cộng đồng và xã hội. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đến sức khỏe tinh thần, nhất là khi xã hội phải sống chung với COVID-19 trong điều kiện bình thường mới.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: ĐẶNG NGUYÊN ANH
Tóm tắt: Bài viết giới thiệu một khung phân tầng xã hội, phát triển từ khung phân loại nghề của Tổ chức Lao động Quốc tế được Tổng cục Thống kê Việt Nam áp dụng từ 1999 trong những điều tra của mình. Sử dụng khung lý thuyết phân tầng xã hội ấy, bài viết trình bày cơ cấu định lượng của phân tầng xã hội ở vùng Đông Nam Bộ hẹp và sự phân bố nguồn lực kinh tế và chính trị trong cơ cấu đó, dựa trên dữ liệu từ cuộc khảo sát định lượng của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ về phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ hẹp tiến hành năm 2020. Từ kết quả phân tích, bài viết đặt ra một số câu hỏi cho những nghiên cứu chính sách thực nghiệm tiếp theo.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: BÙI THẾ CƯỜNG
Tóm tắt: Với tư tưởng tiến bộ mang tính nhân văn sâu sắc, nhà triết học cổ điển Đức, Ludwig Feuerbach (1804 - 1872) đã để lại cho nhân loại nhiều triết lý có giá trị, trong đó có tư tưởng đạo đức của ông. Cho rằng nguyên tắc đầu tiên, duy nhất của đạo đức là quyền hạnh phúc của mỗi người phù hợp với quyền hạnh phúc của những người khác, và để có được hạnh phúc, con người cần thoát khỏi đời sống vật chất nghèo nàn và có một tình yêu phổ quát, triết học đạo đức của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử triết học đạo đức phương Tây.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: NGÔ THỊ MỸ DUNG
Tóm tắt: Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp may nói riêng phụ thuộc phần lớn vào năng lực cạnh tranh. Bài viết phân tích có đối sánh các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp may, trường hợp Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ, trực thuộc Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và một số doanh nghiệp trong ngành có quy mô tương đương. Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp gồm: tài chính, nhân lực, công nghệ, quản lý điều hành và tài sản trí tuệ. Khi phân tích, nhóm tác giả đã tiến hành tổng hợp thành ma trận hình ảnh cạnh tranh để có thể nhìn thấy được vị thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từ đó tiến hành phân tích SWOT và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: LÝ THU CÚC - NGUYỄN QUANG VINH - NGUYỄN VĂN PHƯƠNG
Tóm tắt: Truyện Tống Trân Cúc Hoa là câu chuyện cổ tích, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Đặc biệt, nhân vật Tống Trân trong truyện được lập đền thờ và được vua ban sắc như một nhân vật lịch sử có thật tại vùng quê Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Bài viết tìm hiểu ba dạng thức tồn tại của truyện Tống Trân Cúc Hoa: 1) Truyện kể Dã sử quan Trạng Gầu do Nguyễn Thúc Kiêm đăng trên Tạp chí Nam Phong; 2) Truyện Trạng Tống Trân trong bản thần tích; 3) Truyện thơ Nôm Tống Trân Cúc Hoa. Qua đó, bài viết làm rõ những nét đặc sắc cũng như ý nghĩa của từng loại thể thức.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: LÊ THỊ HUYỀN
Tóm tắt: Nghiên cứu liên ngành khảo cổ học và cổ thực vật học trong những năm gần đây đã phát hiện lúa thuần dưỡng (Oryza sativa japonica) trong các di tích đất đắp dạng tròn ở Bình Phước. Niên đại trực tiếp của những hạt lúa này được xác định khoảng 4.000 đến hơn 3.000 năm cách ngày nay, tương thích với tuổi của tầng văn hóa nơi được phát hiện. Các phát hiện này mang lại nhận thức mới, góp phần nhận diện rõ nét hơn về đời sống và sinh kế của chủ nhân những “làng tròn” thời tiền sử, chỉ ra họ đã biết đến nông nghiệp trồng lúa bên cạnh việc khai thác nguồn lợi từ môi trường tự nhiên. Kết quả này gợi mở viễn cảnh nghiên cứu với việc áp dụng kỹ thuật phân tích hiện đại như xác định niên đại trực tiếp hay di truyền học cho các loài thực vật cổ để góp phần tái hiện sự lan tỏa của nông nghiệp trồng ở Đông Nam Á lục địa.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: NGUYỄN KHÁNH TRUNG KIÊN
Tóm tắt: Brâu là một trong 16 tộc người có dân số ít nhất ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ me, sinh sống chủ yếu ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ hôn nhân của người Brâu cũng có nhiều thay đổi. Bài viết tìm hiểu thực trạng biến đổi trong hôn nhân của người Brâu thể hiện qua một số quan niệm về hôn nhân, tiêu chuẩn chọn vợ (chồng), hình thức tìm hiểu nhau trước khi kết hôn và độ tuổi kết hôn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: ĐINH NHƯ HOÀI
Tóm tắt: Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp là ngân hàng công đảm nhận việc cung cấp tín dụng nông nghiệp của Việt Nam Cộng hòa thời kỳ 1967-1975. Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp nhờ được cung cấp một lượng vốn lớn từ chính phủ và ngoại viện; bằng việc lựa chọn chủ yếu cho vay ngắn hạn, các khoản cho vay tương đối nhỏ, phần nhiều trong lĩnh vực canh nông (trồng trọt) đã đưa số lượt người tiếp cận nguồn vốn tăng cao trong thời kỳ này. Thông qua việc khai thác nguồn tài liệu sơ cấp và thứ cấp, bài viết tìm hiểu sự hình thành và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp trong việc cung cấp tín dụng nông nghiệp thời kỳ này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 10(278)2021
Tác giả: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG YẾN
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​