Tóm tắt: Bài viết được trình bày dưới dạng một nghiên cứu khái niệm nhằm tổng hợp và phân tích một số phương pháp giảng dạy biên dịch trên thế giới trong đào tạo dịch thuật bậc đại học. Mục đích là đưa ra một bức tranh chung về các vấn đề cơ bản liên quan đến giảng dạy dịch thuật xuất phát từ hai quan niệm kiến tạo và truyền thụ trong giảng dạy, các hướng tiếp cận, phương pháp truyền thống và phi truyền thống và hoạt động thường được áp dụng trong các lớp học biên dịch. Từ đó, bài viết cung cấp một nguồn tư liệu tham khảo về các phương pháp sư phạm trong đào tạo dịch thuật giúp giáo viên đưa ra giải pháp phù hợp trong việc đào tạo biên dịch.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN THỊ NHƯ NGỌC
Tóm tắt: Chăm sóc tốt đời sống tinh thần và vật chất người cao tuổi phản ánh an sinh xã hội được thực hiện tốt đối với người cao tuổi. TPHCM với dân số đông và tỷ lệ người già tăng khá nhanh, nghiên cứu về an sinh xã hội nói chung và đặc biệt nhóm người già có ý nghĩa thực tiễn. Dựa trên nghiên cứu định tính tại địa bàn phường 15, quận 10, TPHCM năm 2020 và kết hợp phân tích một số các tài liệu thứ cấp khác, bài viết phân tích cụ thể hơn một số thực trạng liên quan đến chất lượng sống của người cao tuổi tại TPHCM. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi tại TPHCM khá hài lòng về chất lượng sống của bản thân. Mức độ hài lòng đối với đời sống tinh thần, vật chất có sự khác nhau giữa các nhóm mức sống, tình trạng sức khỏe và năng lực tự chủ về kinh tế của người cao tuổi.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN THỊ CÚC TRÂM - TRẦN ĐAN TÂM
Tóm tắt: Tiếp cận nghiên cứu lịch đại, thông qua việc đối chiếu tâm thế lựa chọn và gắn bó với việc làm giữa các thế hệ khác nhau, kết quả nghiên cứu cho thấy sự linh động của những nghề nghiệp phi chính thức. Điển hình, trong trường hợp nghề rác dân lập, người lao động vì những rào cản về học vấn, tuổi tác, trình độ tay nghề nên có thể đến với nghề trong một tâm thế bắt buộc. Tuy nhiên, trong quá trình gắn bó, người lao động đã chuyển dần từ tâm thế bắt buộc sang một lựa chọn đầy tính duy lý. Ngoài ra, nghề rác dân lập còn góp phần nhìn nhận lại quan điểm người nhập cư mang cái nghèo đến đô thị bằng xu hướng đầu tư/tái đầu tư việc làm của mình. Qua đó, bài viết phản ánh những đóng góp của nghề rác dân lập trong nền kinh tế tại đô thị.
Từ khóa: kinh tế phi chính thức, thu gom rác dân lập, vị thế người lao động nhập cư
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN VĂN BÌNH - NGUYỄN THỊ NHUNG
Tóm tắt: Tiền công chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu và thấp hơn lương đủ sống là kết quả chung của nhiều nghiên cứu về tiền lương, tiền công ở nhóm lao động làm thuê phi chính thức. Nghiên cứu trường hợp lao động làm thuê phi chính thức là người thu gom rác dân lập, người lao động trong ngành xây dựng ở TPHCM cho thấy vì không có hợp đồng lao động nên họ chưa tiếp cận được bệ đỡ “tiền lương tối thiểu”, tiền công được nhận theo thỏa thuận hai bên và trong nhiều trường hợp thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. So với lương đủ sống tính theo phương pháp Ankers thì nhóm thu gom rác dân lập chỉ chiếm 72% mức lương đủ sống. Do đó, rất cần nghiên cứu sâu rộng, hướng đến vận động chính sách, để đưa nhóm đối tượng này trở thành đối tượng của Bộ luật Lao động, được đảm bảo mức lương đủ sống.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
Tóm tắt: Để đảm bảo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhà nước Việt Nam đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về các quyền công dân. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở xã, phường, thị trấn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để người dân có thể thực hiện các quyền dân chủ của mình, đồng thời cũng là cơ sở để Nhà nước đảm bảo thực hiện các quyền của người dân. Bài viết tìm hiểu thực trạng pháp luật về dân chủ ở xã, phường, thị trấn hiện nay và đề xuất các hướng hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực này.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: TRẦN BÁ HÙNG
Tóm tắt: Lê Thọ Xuân (1904 - 1978) là nhà nghiên cứu tiêu biểu ở Nam Bộ về lịch sử triều Nguyễn. Bài viết nhằm tìm hiểu những đóng góp của ông trong nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ triều Nguyễn trên ba phương diện: phương pháp, sử liệu và sử luận. Về phương pháp nghiên cứu, ông kết hợp giữa phương pháp sử học truyền thống và phương pháp thực chứng hiện đại, nghiên cứu lịch sử trên nền tảng địa lý và địa danh, kết hợp khảo cứu sử liệu với khảo sát thực địa, chuyên về nghiên cứu vi mô. Về sử liệu, ông sưu tầm, phát hiện, tái phát hiện nhiều tài liệu quan trọng, đồng thời phê phán, đính chính một số sử kiện đã bị sử dụng, diễn giải sai lạc, hiểu nhầm. Về sử luận, dựa trên cơ sở vững chắc về phương pháp và sử liệu, ông đã đưa ra những đánh giá, nhận định có sức thuyết phục cao, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử và sử học Nam Bộ thế kỷ XIX.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: LƯU HỒNG SƠN - MAI THỊ MỸ VỊ
Tóm tắt: Sự tương tác xã hội và giao lưu văn hóa giữa các tộc người, đặc biệt là giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số ở Nam Bộ diễn ra lâu nay biểu hiện sinh động, đa chiều kích. Trong đó, việc thiết lập quan hệ hôn nhân khác tộc người (hay hỗn hợp tộc người) và khác tôn giáo, góp phần hình thành gia đình và dòng họ đa tộc người (hay đa văn hóa). Trên cơ sở đó, quan niệm về hôn nhân khác tộc người và khác tôn giáo của các tộc người ở Nam Bộ cũng đã thay đổi, làm sâu sắc hơn mối quan hệ xã hội và văn hóa, sự hòa hợp giữa các tộc người và hội nhập xã hội - vào một quốc gia chung hiện nay. Bài viết phân tích quan niệm về hôn nhân khác tộc người và khác tôn giáo của các cộng đồng tộc người ở Nam Bộ từ kết quả nghiên cứu 695 hộ gia đình đa tộc người (hay đa văn hóa) có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau ở Nam Bộ vào thời điểm tháng 6/2019 về vấn đề này.
Nguồn: Tap chí Khoa học Xã hội số 10 năm 2020
Tác giả: VÕ CÔNG NGUYỆN
|
|