Tóm tắt: Trần Hữu Độ là tác giả có nhiều tác phẩm chính trị được xuất bản tại Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 thế kỷ XX. Các tác phẩm của ông có tiếng vang và ảnh hưởng lớn vào thời kỳ đó, trong bài viết này chúng tôi sơ lược giới thiệu về ông và quan điểm “tự do” của ông trong cuộc đấu tranh dân quyền đương thời.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: HUỲNH VĨNH PHÚC
Tóm tắt: Trẻ mồ côi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh, số lượng trẻ mồ côi tăng cao với những khó khăn về tài chính của chính quyền và của các cô nhi viện càng tăng tính tổn thương của đối tượng này. Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc luật 027/SL quy định về thủ tục hoạt động của các cô nhi viện, tạo điều kiện để cô nhi viện hoạt động hợp pháp trong sự kiểm soát của chính quyền và việc hỗ trợ tài chính cho cô nhi viện. Bài viết trình bày hai chính sách lớn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với cô nhi viện và quá trình thực thi các chính sách đến năm 1975, đặc biệt là sự thay đổi về quan điểm bảo trợ cô nhi viện của chính quyền trong giai đoạn 1966 - 1975: từ đáp ứng nhu cầu cơ bản tiến đến phát triển hài hòa cho trẻ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN THỊ KIM NƯƠNG
Tóm tắt: Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, khi các tri thức khoa học phương Tây bắt đầu được du nhập vào xã hội Việt Nam thì ở Nam Bộ nhiều tạp chí chuyên sâu về khoa học được ra đời. Các tờ báo này được sáng lập bởi các nhóm trí thức Tây học, mục tiêu là quảng bá những kiến thức khoa học tự nhiên cơ bản và khoa học thường thức, đặt nền móng cho sự tiếp nhận kiến thức khoa học cho dân chúng trong tương lai. Bài viết khảo cứu về mục đích, nội dung và hình thức phổ biến kiến thức về y học thường thức trên hai tạp chí khoa học tiêu biểu ở Nam Bộ là Khoa-học Tập-chí và Khoa-học Phổ-thông.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: MAI THỊ MỸ VỊ
Tóm tắt: Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, bài viết mô tả mối tương quan giữa tính chất phi chính thức và tình trạng nghèo ở nhóm lao động phi chính thức theo tỷ lệ thuận và có sự khác biệt trong phân khúc vị thế nghề nghiệp. Lao động phi chính thức thuộc nhóm có chuyên môn kỹ thuật không cao, việc làm không ổn định, và điều này thường dẫn đến thu nhập thấp, bấp bênh. Và theo một vòng khép kín, thu nhập thấp, bấp bênh dẫn đến tình trạng tái nghèo đơn chiều (nghèo về thu nhập), là nguyên nhân dẫn đến nghèo đa chiều (chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản). Để giảm nghèo bền vững ở nhóm lao động này cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm cung cấp những bằng chứng khoa học thuyết phục cũng như đề xuất những giải pháp thiết thực, hợp lý thúc đẩy công tác vận động chính sách.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
Tóm tắt: Nghiên cứu trên cơ sở tiếp cận sinh thái nhân văn và sinh kế bền vững, sử dụng kết quả nghiên cứu trường hợp tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho thấy, dưới tác động của các chính sách di cư và định canh định cư trước đây và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn hiện nay, không gian sinh tồn - rừng và làng, tính cố kết cộng đồng và văn hóa truyền thống của người Brâu - một dân tộc tại chỗ Tây Nguyên đã biến đổi sâu sắc, dẫn đến sự chuyển đổi một cách căn bản phương thức sinh kế. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nghề nghiệp và thu nhập chưa đáp ứng mục tiêu của sinh kế bền vững. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh về quan điểm và cách tiếp cận trong việc hoạch định và thực hiện chính sách, nhấn mạnh đến sự tham gia chủ động và đầy đủ của cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương này đối với những vấn đề phát triển liên quan.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: LÊ THANH SANG - NGUYỄN NGỌC TOẠI - NGUYỄN ĐẶNG MINH THẢO
Tóm tắt: Trong quá trình hơn 70 năm, chính sách tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã dần dần phát triển nhằm tạo ra “lưới an toàn” bảo vệ NLĐ, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Bài viết trình bày lịch sử tiền lương tối thiểu ở Việt Nam và phân tích thực trạng áp dụng mức lương tối thiếu mới cho lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong nước có phân biệt theo vùng. Nhiều khảo sát cho thấy, lương tối thiểu vùng tăng có tác động đa chiều đến doanh nghiệp và người lao động: Đối với doanh nghiệp, tác động rõ nhất là tăng chi phí nhân công do các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tăng. Doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh cấu trúc để giảm chi phí tiền lương và các chi phí liên quan khác, trong đó có khả năng nâng cao năng suất lao động và giảm nhu cầu lao động. Đối với người lao động, mức thu nhập trung bình chỉ mới đáp ứng các khoản chi tiêu cơ bản nhất và không có tiết kiệm hoặc dự phòng rủi ro do giá cả cũng tăng tương ứng với tăng lương. Chính vì thế, tăng lương tối thiểu vùng cho đến nay còn tiềm ẩn nhiều tác động không mong muốn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN ĐẶNG MINH THẢO
Tóm tắt: Các giao dịch dân sự đã được các nhà làm luật thời phong kiến quan tâm và thể chế hóa thành các quy định pháp luật thông qua khế ước. Tuy không chiếm số lượng lớn về điều khoản nhưng các quy định về giao dịch dân sự trong hai bộ luật Quốc triều hình luật (thời Lê) và Hoàng Việt luật lệ (thời Nguyễn) đã làm rõ các vấn đề, mối quan hệ trong trao đổi mua bán, thuê mướn ruộng đất và các tài sản khác giữa các cá nhân thời phong kiến.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: PHẠM THỊ THU HIỀN
Tóm tắt: Ca dao, tục ngữ là sản phẩm của đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam, phản ánh phong phú, đa dạng đời sống sinh hoạt của nhân dân, nhất là mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống. Trong đó, các chuẩn mực đạo đức như: lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất hay tinh thần nhân nghĩa và các đức tính trung thực, cần cù, tiết kiệm của con người Việt Nam cũng được thể hiện trong ca dao, tục ngữ với biểu đạt hết sức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả tập trung phân tích làm rõ một số chuẩn mực đạo đức cơ bản được thể hiện qua ca dao, tục ngữ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN QUẾ DIỆU
Tóm tắt: Triết gia người Pháp Auguste Comte (1798 - 1857) là nhà sáng lập chủ nghĩa thực chứng, đồng thời là một trong những người đặt nền móng cho ngành xã hội học hiện đại. Cơ sở lý luận trong triết học thực chứng của Auguste Comte dựa trên những thành tựu của các ngành khoa học cùng với thuyết “ba giai đoạn” do ông đề xuất có ảnh hưởng lớn đến các nhà triết học phương Tây thế kỷ XIX. Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung làm rõ quan điểm của ông về xã hội thực chứng, cùng với những giá trị và hạn chế mang tính lịch sử.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN THÀNH NHÂN
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​