Tóm tắt: Người Việt Nam di cư tự do đến sinh sống ở khu vực Biển Hồ (Campuchia), từ giai đoạn trước những năm 1990 có đặc điểm chung là không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn, không có giấy tờ tùy thân... Cuộc sống bấp bênh cùng với chính sách siết chặt quản lý nhập cư trong những năm gần đây của chính phủ Campuchia đã khiến số người di cư này trở về Việt Nam ngày càng đông và chủ yếu sinh sống ở các xã biên giới. Sau khi trở về, họ bị thiếu hụt cả 3 trụ cột chính về an sinh xã hội: việc làm không ổn định, thu nhập thấp, không có bảo hiểm xã hội, chưa được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản do thiếu giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu tại địa phương. Đó là những trở ngại lớn để thực hiện giảm nghèo bền vững cho nhóm xã hội này.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
Tóm tắt: Tiếp cận bằng phương pháp phân tích diễn ngôn những câu chuyện kể của bảy nhân vật là lao động Khmer ở Bình Dương, nghiên cứu cho thấy: Khi còn ở quê nhà, họ nghĩ Bình Dương như là nơi có thể giúp họ giải quyết mọi khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc ở đây, họ cảm nhận rằng ở Bình Dương có thể làm ra tiền nhưng phải đối diện với những công việc nặng nhọc, mức lương thấp và tình trạng nợ nần. Những kết quả này phản ánh cuộc sống còn nhiều rủi ro và tạm bợ nơi đất khách của lao động Khmer nhập cư, rất cần được quan tâm và giải quyết.
Nguồn:
Tác giả: LÊ ANH VŨ
Tóm tắt: Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng và nghiên cứu so sánh trên cơ sở dữ liệu năm 2003 và năm 2016(1) nhằm cảnh báo những rủi ro khi sinh con và chăm sóc sản phụ sau sinh trong cộng đồng người Chăm theo đạo Islam ở tỉnh An Giang. Qua phân tích việc lựa chọn cơ sở y tế sinh con an toàn và những thay đổi trong chăm sóc sản phụ ở người Chăm, cho thấy tất cả các bà mẹ đều sinh con tại bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tư, không sinh con tại trạm y tế xã và cũng không sinh con tại nhà như trước kia. Tuy nhiên, phần lớn người Chăm vẫn còn theo kinh nghiệm từ y học dân gian trong chăm sóc sức khỏe hậu sản hơn là thực hành theo các phương pháp của y học hiện đại, hoặc thực hành cả hai phương pháp. Điều này cho thấy, y học hiện đại chưa thể hoàn toàn thay thế các phương pháp y học dân gian truyền thống trong việc chăm sóc sức khỏe sản phụ.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN THỊ NHUNG
Tóm tắt: Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục hiện đang là vấn đề phức tạp cần được quan tâm một cách đúng đắn. Bài viết tập trung tìm hiểu kiến thức của người dân về xâm hại tình dục trẻ em. Những phát hiện chính qua nghiên cứu là: người dân đã có sự quan tâm, cũng như đã có một số kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, những kiến thức đó không đầy đủ và chính xác; người dân vẫn chưa nhận diện được sự đa dạng của các loại hình xâm hại tình dục; phần lớn chưa có sự thừa nhận xâm hại tình dục ở trẻ em nam; họ chưa nhận dạng hết những đối tượng có thể tấn công trẻ và các môi trường nguy cơ đối với trẻ em. Giáo dục giới tính là một biện pháp chủ yếu để giúp trẻ có thể nhận biết và tự bảo vệ bản thân mình. Nhưng các bậc phụ huynh đang gặp nhiều khó khăn trong việc này do thiếu kiến thức và định kiến, nhất là định kiến giới. Những điều này khiến trẻ em không được bảo vệ một cách toàn diện.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN VĂN BÌNH