Tóm tắt: Đồ gốm là di vật phổ biến nhất trong văn hóa Óc Eo với sự đa dạng về loại hình và chất liệu làm gốm. Chúng phát triển từ thời tiền sử ở Nam Bộ Việt Nam và đạt đỉnh cao vào giai đoạn văn hóa Óc Eo với sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và các yếu tố ngoại nhập thông qua giao lưu văn hóa và trao đổi kỹ thuật với khu vực và những vùng xa hơn. Tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê, đặc điểm cơ bản của đồ gốm là hầu hết đều được sản xuất theo hai tiêu chuẩn: dòng gốm cao cấp với chất liệu sét mịn sử dụng hạn chế cho các hoạt động nghi mang tính lễ và dòng gốm phổ thông từ các chất liệu sét pha cát hay bã thực vật dùng cho cuộc sống thường nhật. Phần lớn đồ gốm được làm với kỹ thuật bàn xoay, kỹ thuật khuôn hay bằng tay được sử dụng hạn chế. Tiến trình phát triển của đồ gốm diễn ra với ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ thế kỷ III-II BC đến thế kỷ III AD, giai đoạn thứ hai từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI và giai đoạn thứ ba từ thế kỷ VII đến khoảng thế kỷ X.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH
Tóm tắt: Kinh Dịch là một “kỳ thư”, cuốn sách kỳ lạ này đã mang đến cho con người biết bao điều gợi mở về mặt tri thức và tâm linh. Kinh Dịch là một cuốn sách về sự biến đổi và phát triển, hơn nữa nó không còn chỉ là một cuốn sách, mà nó đã thấm sâu vào mọi mặt của cuộc sống văn hóa, khoa học và thường nhật của người Á châu. Dịch đã là biểu tượng của hệ số nhị phân, Dịch đã là biểu tượng của chuỗi DNA của con người, và Dịch cũng là biểu tượng của âm thanh nữa!
Nguồn:
Tác giả: TRẦN VƯƠNG THẠCH
Tóm tắt: Sơ kính tân trang của Phạm Thái là thước phim bằng thơ bắt nguồn từ sự kiện thuộc về tiểu sử bản thân của chủ nhân sáng tạo ra nó. Việc chủ thể sử dụng tiểu sử bản thân để xây dựng cốt truyện Sơ kính tân trang đã bộc lộ nét cá biệt trong tư duy sáng tạo của tác giả và điều đó quy định đặc điểm kết cấu của tác phẩm. Kết cấu cốt truyện Sơ kính tân trang vừa kế thừa những kỹ thuật truyền thống của truyện thơ Nôm lại vừa chứa đựng những cách tân, sáng tạo mang bản sắc riêng của người nghệ sĩ.
Nguồn:
Tác giả: TRẦN HỮU CHẤT
Tóm tắt: Chiến tranh du kích là một trong những hình thức chiến tranh cơ bản đã được triển khai thành công ở địa bàn vùng ven Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ những đội vũ trang nhỏ, phân tán mới được tái lập năm 1956, đến đầu năm 1965, lực lượng quân dân du kích đã phát triển mạnh và trở thành một lực lượng quan trọng ở vùng ven Sài Gòn, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Bài viết tập trung phân tích quá trình xây dựng, phát triển và tổ chức của lực lượng dân quân du kích vùng ven Sài Gòn giai đoạn 1956 - 3/1965.
Nguồn:
Tác giả: LÊ THẾ TÀI
Tóm tắt: Bài viết phân tích cơ cấu và sự chuyển biến về lợi thế so sánh bộc lộ của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2000-2014. Nghiên cứu cho thấy cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam không có sự thay đổi nhiều trong vòng 14 năm qua mặc dù có sự nổi lên về lợi thế so sánh bộc lộ của nhiều mặt hàng công nghiệp như điện, điện tử, thiết bị viễn thông. Các mặt hàng truyền thống như sản phẩm nông nghiệp kể cả lúa gạo, may mặc, giày da chứng kiến sự sụt giảm về lợi thế so sánh nhưng kim ngạch xuất khẩu ngày càng gia tăng. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa, bài viết đưa ra bốn khuyến nghị. 1) đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ nhà đầu tư, để thu hút nguồn vốn công nghệ cao; 2) phát triển cụm ngành để nâng cao giá trị các ngành hàng xuất khẩu truyền thống; 3) nhìn nhận lại vai trò của nông nghiệp để có sự đầu tư đúng đắn theo hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; 4) các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể để nâng cấp quy mô, hoạt động sản xuất của mình.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN QUỐC ĐỊNH
Tóm tắt: Bài viết này là một phần của đề tài nghiên cứu đã được thực hiện trong năm 2013 “Kinh tế trang trại tại Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp”. Khái niệm và thực trạng tích tụ ruộng đất tại Đồng bằng sông Cửu Long được giới thiệu như là một phần không thể thiếu khi nghiên cứu hình thái kinh tế trang trại trong nông nghiệp của khu vực này. Có sự khác biệt giữa tích tụ ruộng đất và các hành vi đầu tư, mua bán, đầu cơ và hình thức tập trung ruộng đất. Có thể nói, các hoạt động khai hoang, chuyển đổi mục đích, mua thêm, thừa kế và đi thuê là các hình thức để các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện tích tụ ruộng đất. Như vậy, tập trung ruộng đất và tích tụ ruộng đất là hai khái niệm tách biệt, từ đây đã hình thành hai hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, quy mô lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đó là “cánh đồng lớn” và kinh tế trang trại. Hình thức “cánh đồng lớn” được Nhà nước tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và xuất hiện nhanh tại nhiều địa phương. Trong khi kinh tế trang trại suy giảm, nhiều nơi gần như không còn tồn tại và thiếu nguồn lực phục hồi sau khi Nhà nước nâng các tiêu chuẩn về trang trại trong năm 2011.
Nguồn:
Tác giả: TẠ DOÃN CƯỜNG
Tóm tắt: Gia đình và giáo dục gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách từng cá nhân cũng như trong việc kiến tạo chất lượng vốn con người cho xã hội, đặc biệt đối với những nước nông nghiệp mang văn hóa Á Đông như Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam hãy còn thiếu vắng các tài liệu lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu về giáo dục gia đình. Bài viết tiến hành tổng lược, giới thiệu giáo dục gia đình như đối tượng nghiên cứu của một chuyên ngành độc lập trong khoa học giáo dục trên thế giới với các nội dung: sự ra đời và phát triển, các tiếp cận lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, một số chủ đề và kết quả nghiên cứu nổi bật.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN KHÁNH TRUNG
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​