Tóm tắt: Từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021: 33-34). Trong bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ hội nhập quốc tế, phòng, chống khủng bố tuy là vấn đề mới được đề cập gần đây nhưng đã được Đảng, Nhà nước ta nhận thức và thể hiện rất kịp thời các quan điểm, chính sách mang ý nghĩa chỉ đạo chiến lược, căn bản. Bài viết khái quát những quan điểm, chính sách cơ bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống khủng bố (1991 đến nay) như là một nỗ lực của Việt Nam để hội nhập tích cực, chủ động vào cộng đồng ASEAN và quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: LÊ THỊ HIỀN LƯƠNG
Tóm tắt: Mô hình làng thông minh là vấn đề đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Đây được xem là mô hình thích hợp giải quyết việc phát triển bền vững vùng nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vùng nông thôn Việt Nam và nông thôn Nam Bộ nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, chênh lệch mức sống, di dân và các vấn đề về môi trường. Nghiên cứu tìm hiểu về một số mô hình làng thông minh qua các công trình nghiên cứu, khảo sát đa ngành, từ đó đưa đến những hàm ý chính sách để phát triển vùng nông thôn Nam Bộ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: NGUYỄN THỊ CÚC TRÂM
Tóm tắt: Cách tiếp cận kinh doanh nông nghiệp và tiếp cận chuỗi giá trị trong nông nghiệp khá phổ biến trên thế giới. Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cũng đưa ra đề xuất về kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có các điều kiện phù hợp để phát triển nông nghiệp theo các hướng tiếp cận này. Bài viết tìm hiểu thực trạng kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đề xuất một số gợi ý về giải pháp phát triển kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy, trang bị nhận thức và kiến thức về kinh doanh cho nông dân, có chính sách phát triển hợp tác xã và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: HOÀNG THỊ THU HUYỀN
Tóm tắt: Trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê, cảnh quan xuất hiện như một yếu tố không thể tách rời trong việc thể hiện chân thực sự vận động của lịch sử xã hội Việt Nam. Trong các truyện ngắn viết về chiến tranh, cảnh quan chiến tranh được nhà văn xây dựng góp phần tái tạo hiện thực, đồng thời phản ánh đời sống nội tâm, thế giới tinh thần của các nhân vật rất rõ. Từ cảnh quan chiến tranh được nhà văn xây dựng trong Cao điểm mùa hạ và Nhiệt đới gió mùa, chúng tôi phân tích các phạm trù: ký ức và thể nghiệm, quyền lực và kiểm soát, phá hủy và phục hồi của cảnh quan chiến tranh để làm rõ luận điểm trên.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: NGUYỄN HƯƠNG NGỌC
Tóm tắt: Chuông chùa An Xá, châu Cơ Xá, nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, đúc năm Chính Hòa thứ 11 (1690) thời Lê. Đây là chuông chùa, nhưng lại được khắc lên nhiều chỉ dụ của phủ Chúa thế kỷ XVII - XVIII miễn sưu thuế cho người dân địa phương này do nhường đất ở trong nội điện để nhà Lý xây dựng thành Thăng Long mà định cư ở bên sông không có ruộng trồng cấy. Đây là một trong số ít chuông đồng cổ ở làng xã người Việt còn lưu giữ được, đặc biệt nội dung tư liệu khắc trên chuông này có giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quý giá.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: ĐINH KHẮC THUÂN
Tóm tắt: Internet, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Giáy và Hmông. Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp dân tộc học với các cuộc khảo sát thực địa, thu thập tư liệu bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ sử dụng Facebook, Zalo, Wechat nhiều giúp người Giáy và người Hmông duy trì và mở rộng các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa tộc người, đồng thời hướng đến giá trị chung của tộc người, đất nước. Tuy nhiên, việc tiếp nhận các nguồn thông tin độc hại, không chính xác từ mạng xã hội cũng phần nào làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của các tộc người này, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, an ninh quốc phòng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: LÊ NGỌC HUYNH
Tóm tắt: Trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam, nhiều vùng đất đã nổi danh là những vùng khoa bảng. Trong sự phát triển đó, làng xã có vai trò không nhỏ. Làng Quỳnh Đôi là đất học nổi tiếng không chỉ của xứ Nghệ mà của cả nước. Từ những quy định trong hương ước đến sự tồn tại của Hội Tư văn, Khoán Hội Tư văn, Văn từ đều cho thấy tinh thần trọng học, khuyến học bao trùm không khí của làng xã. Những chính sách đó của làng đã góp phần tạo nên truyền thống hiếu học và dòng chảy khoa bảng của xứ Nghệ nói riêng, của Việt Nam nói chung thời trung đại.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 9(301)2023
Tác giả: MAI PHƯƠNG NGỌC - VÕ VĂN THẬT
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​