Tóm tắt: Cảm thức lưu lạc là một nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ trên một không gian sông nước. Ngày nay, khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ sinh thái ảnh hưởng đến toàn cầu một cách mạnh mẽ, cảm thức ấy cũng nhuốm màu sắc của thời đại khủng hoảng sinh thái. Bài viết của chúng tôi muốn từ tư tưởng cốt lõi đó để “đọc” truyện ngắn, tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư. Từ góc nhìn này, nhà văn đã đặt ra một cách trực diện những vấn đề môi trường và số phận của con người trong thời đại khủng hoảng môi sinh. Đồng thời tác giả cũng đề xuất cách lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên để tìm cho ra câu trả lời cho những khủng hoảng của con người thời hiện đại và đề xuất một thái độ sống gần gũi tự nhiên để được chia sẻ và thanh thản.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2018
Tác giả: Trần Thị Ánh Nguyệt
Tóm tắt: Là người lập thuyết, đồng thời là đại biểu số một của lý thuyết tiếp nhận trường phái Konstanz, Hans Robert Jauss đã có nhiều cống hiến cho lý luận văn học Đức nói riêng và lý luận văn học hiện đại thế giới thế kỷ XX nói chung. Trong thời kỳ đầu, Jauss tập trung nghiên cứu và chỉ ra sự biến đổi liên tục trong cách hiểu và giải thích của người đọc về tác phẩm theo quá trình lịch sử và tác động xã hội, từ đó đề xuất cách viết lịch sử văn học mới dựa vào lịch sử tiếp nhận của người đọc. Trong thời kỳ thứ hai, Jauss quan tâm đến việc tìm hiểu tính lịch sử của kinh nghiệm thẩm mỹ và quan hệ giữa ba yếu tố: sản xuất - tiếp nhận - giao lưu, đề xuất mô hình nghiên cứu giao lưu văn học, xem lịch sử văn học là quá trình giao lưu.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2018
Tác giả: Lưu Hồng Sơn