Tóm tắt: Truyện đồng thoại là một thành tựu quan trọng trong đời văn của Tô Hoài. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu kí (1941), Tô Hoài còn có nhiều tác phẩm đồng thoại giá trị khác dành cho tuổi thơ. Đặc biệt, đó là những đồng thoại được nhà văn sáng tác trong giai đoạn cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân (trước 1945). Truyện đồng thoại của Tô Hoài giàu cảm hứng hiện thực, phong phú về bài học giáo dục và được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ biểu cảm, đầy sáng tạo, luôn gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Ông là cây bút có ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào sáng tác truyện đồng thoại ở Việt Nam trong thế kỉ XX.
Nguồn:
Tác giả: LÊ NHẬT KÝ
Tóm tắt: Lời rao hàng là một nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam, gắn liền với văn hóa mua bán nhỏ lẻ và đời sống sinh hoạt làng xã. Vận dụng lý thuyết lịch sự của P. Brown và S. Levinson, bài viết phân tích và miêu tả các chiến lược lịch sự đã được người rao hàng sử dụng. Các chiến lược này một mặt vừa tránh gây cảm giác áp đặt, đe dọa thể diện người mua (chiến lược lịch sự âm tính), một mặt vừa tôn vinh thể diện, khiến người mua có cảm giác được tôn trọng, quý mến (chiến lược lịch sự dương tính), từ đó giúp lời rao đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN THANH HUY
Tóm tắt: Với tư cách là một tờ báo hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của người phụ nữ, Phụ nữ Tân văn đã trở thành một diễn đàn đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ trước các tư tưởng thủ cựu trong xã hội tại Nam Bộ vào những năm cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 của thế kỷ XX. Tờ báo đã góp tiếng nói bênh vực người phụ nữ, giải thoát họ khỏi những tư tưởng, quan niệm trói buộc lỗi thời, cổ vũ người phụ nữ dũng cảm đứng lên tham gia các hoạt động ngoài xã hội vì trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cả xã hội.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG YẾN
Tóm tắt: Tại các di tích khảo cổ học thuộc văn hoá Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam đã tìm thấy một số lượng đáng kể đồ trang sức bằng chì – thiếc. Đồ trang sức này được chế tác bằng cách đúc khuôn, bằng tay hoặc kết hợp cả hai phương pháp trên. Các kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất trang sức chì – thiếc thuộc giai đoạn văn hoá Óc Eo giúp nhận thức về sự phức tạp trong hoạt động chế tác cũng như vai trò quan trọng của nghề thủ công trong nền văn hoá của cư dân này. Hơn nữa các khuôn đúc đặc biệt được tìm thấy ở Nhơn Thành và Gò Tháp cho thấy đặc điểm địa phương trong việc thiết kế, chế tác trang sức trong suốt thời kỳ phát triển của văn hoá Óc Eo.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN NHỰT PHƯƠNG
Tóm tắt: Sau năm 1975 hàng loạt chính sách của Nhà nước đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân sống ở khu vực Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, đặc biệt là các dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có người Mạ. Trong hơn 20 năm qua, cuộc sống của người Mạ đã thay đổi rất nhiều. Thay đổi lớn nhất chính là sinh kế, khi mà việc “chặt cây, đốt rừng làm rẫy” đã bị cấm và các hoạt động khai thác sản phẩm từ rừng dưới hình thức săn bắt, hái lượm cũng bị hạn chế tối đa. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu những thay đổi hoạt động mưu sinh của người Mạ - cư dân tại chỗ lâu đời tại địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững là một yêu cầu cấp bách. Nghiên cứu này với mục đích tìm hiểu những biến đổi sinh kế của người Mạ ở Tây Nguyên hiện nay dưới những tác động của các chính sách nhà nước.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN ĐĂNG HIỆP PHỐ - TRƯƠNG QUANG ĐẠT
Tóm tắt: Các nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Việt Nam cho đến nay thường ít quan tâm đến khía cạnh di động xã hội, đặc biệt là di động xã hội liên thế hệ, một phần là do thiếu các nguồn dữ liệu cần thiết và đồng bộ. Bài viết này cung cấp một số phương pháp luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra khi nghiên cứu di động nghề nghiệp liên thế hệ - một đo lường trung tâm của di động xã hội, bao gồm việc kết nối các bộ số liệu, lựa chọn khung phân loại nghề nghiệp, xác định các thế hệ, và đo lường di động nghề nghiệp trong bối cảnh cụ thể tại vùng Nam Bộ. Các vấn đề phương pháp luận trên góp phần mở ra những hướng nghiên cứu thực nghiệm về di động xã hội từ các cơ sở dữ liệu khác nhau hiện nay.
Nguồn:
Tác giả: NGUYỄN NGỌC TOẠI
Tóm tắt: Qua khảo sát các xã về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết quả bước đầu cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong việc trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện chương trình. Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở đã từng bước nâng cao; Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều phong trào nhằm tuyên truyền, vận động nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: một số cán bộ thiếu quyết tâm, chưa hiểu sâu sắc công việc cần làm. Vì vậy, họ thực hiện công việc của mình một cách lúng túng. Công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới đã được chú trọng nhưng chưa làm thường xuyên, liên tục; hơn nữa, cán bộ tuyên truyền có xu hướng nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hơn là việc phát triển sản xuất.
Nguồn:
Tác giả: ĐỖ HƯƠNG GIANG - NGUYỄN ĐẶNG MINH THẢO
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​