Tóm tắt: Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học công nghệ. Từ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu làm nền tảng để đất nước nâng tầm và hội nhập toàn cầu.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 8(300)2023
Tác giả: BÙI THỊ THU HIỀN
Tóm tắt: Để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương về phát triển sản xuất muối, ổn định và nâng cao đời sống người làm muối, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ sản xuất diêm nghiệp. Thực hiện các chính sách này, những năm qua, TPHCM và huyện Cần Giờ đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất muối, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, hỗ trợ dụng cụ sản xuất muối và hỗ trợ tiêu thụ muối cho diêm dân. Bài viết phân tích hiện trạng thực hiện các chính sách nêu trên ở Cần Giờ, đưa ra một số đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ muối của diêm dân trong thời gian tới, như: tăng cường liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm muối Cần Giờ...
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 8(300)2023
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT
Tóm tắt: Nông nghiệp tuần hoàn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, đến khi các vấn đề môi trường được quan tâm và phát triển bền vững trở thành mục tiêu của các quốc gia thì nông nghiệp tuần hoàn mới được chú trọng. Mặc dù có rất nhiều khái niệm khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, trong đó đầu ra của giai đoạn này sẽ là đầu vào của giai đoạn tiếp theo. Từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công ở các nước: Trung Quốc, Tanzania, Ai Cập và từ thực trạng nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số kiến nghị góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 8(300)2023
Tác giả: PHAN TUẤN ANH
Tóm tắt: Dựa trên kết quả khảo sát 195 nông hộ tại Bến Tre và Sóc Trăng năm 2022, bài viết cung cấp bằng chứng về các tác động của biến đổi khí hậu và môi trường đến sinh kế nông nghiệp và thu nhập từ nông nghiệp của nông hộ. Phương pháp phân tích thành phần chính và mô hình hồi quy logistic thứ bậc được sử dụng để xác định các yếu tố biến đối khí hậu và môi trường và tính toán xác suất thiệt hại về thu nhập từ nông nghiệp của nông hộ bị tác động bởi các yếu tố trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sai lệch quy luật diễn biến của thời tiết - khí hậu và giông tố/lốc xoáy/bão; tình trạng nắng nóng, khô hạn; xâm ngập mặn(1), ô nhiễm nguồn nước mặt và giảm tính đa dạng của các loại thủy sản đặc hữu là những yếu tố có nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu nhất. Đồng thời, đây cũng là những yếu tố có tác động tiêu cực nhất đến thu nhập của sinh kế nông nghiệp. Trong đó, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã được chứng minh có xác suất thiệt hại cao hơn so với trồng trọt.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 8(300)2023
Tác giả: LÊ THANH SANG - NGUYỄN NGỌC TOẠI - NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
Tóm tắt: Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản nói chung, các di tích nói riêng là một trong những vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và công nghệ số. Bài viết đề cập đến các vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý phù hợp cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 8(300)2023
Tác giả: TRẦN HỮU NGHĨA
Tóm tắt: Sinh kế là nền tảng phát triển trong đời sống của mỗi tộc người. Sinh kế phụ thuộc chặt chẽ vào biến đổi tài nguyên, môi trường sống và điều kiện phát triển xã hội. Thích ứng sinh kế là điều tất yếu diễn ra khi điều kiện sống thay đổi. Nghiên cứu phân tích một số hoạt động sinh kế của người Nùng ở huyện biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng hiện nay, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, bốc vác, vận chuyển hàng hóa và làm thuê qua biên giới. Kết quả nghiên cứu giúp nhận diện được những ứng xử kinh tế của người Nùng với môi trường và điều kiện kinh tế, xã hội địa phương trong bối cảnh hội nhập, kinh tế thị trường và đại dịch COVID-19.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 8(300)2023
Tác giả: NGUYỄN THỊ TÁM
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​