Tóm tắt: Do địa hình thấp, vị trí sát biển và có hệ thống sông cùng kênh rạch lớn nhỏ, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu. Cư dân ĐBSCL có 4 nhóm dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Qua phân tích các nguồn dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu này góp phần làm rõ các tác động của BĐKH và suy thoái môi trường đến người Khmer về phương diện kinh tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy các vấn đề nổi bật chủ yếu là BĐKH và suy thoái môi trường có tác động đến các nguồn tài nguyên liên quan đến sinh kế là đất, nước và rừng; còn các hoạt động sinh kế chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là nông nghiệp và thủy sản. Bài viết cũng đồng thời đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm đưa ra những giải pháp thực tiễn hỗ trợ cộng đồng người Khmer ĐBSCL trước tác động của BĐKH và suy thoái môi trường của vùng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN NGỌC DIỄM - ĐỖ THỊ THƠM
Tóm tắt: Biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo lớn của đất nước. Trước những thách thức về vấn đề chủ quyền biển đảo, văn học nghệ thuật đương đại Việt Nam đã và đang hướng về đề tài biển đảo như một xu hướng tất yếu. Trong đó, thơ cũng cất lên tiếng nói phản ánh tâm tư, tình cảm của người Việt Nam đối với vùng biển đảo tiền tiêu. Bằng phương pháp hệ thống và thao tác phân tích, tổng hợp; bài viết bước đầu tìm hiểu vẻ đẹp của Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện trong thơ Việt Nam đương đại.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: ĐẶNG VĂN VŨ - PHẠM THỊ THU THẢO
Tóm tắt: Bài viết này nhằm giới thiệu hướng tiếp cận lịch sử điện ảnh mới (New cinema history) – một hướng tiếp cận coi điện ảnh như là tổ chức thương mại và nơi trao đổi văn hóa xã hội. Sự ra đời và phát triển lịch sử điện ảnh mới xuất phát từ xu hướng chuyển dịch trọng tâm từ nghiên cứu các hiện tượng phim như văn bản phim, sản xuất, tính mỹ thuật và kỹ thuật của hình ảnh chuyển động sang các nghiên cứu về lưu thông, tiêu thụ phim, lịch sử xã hội và trải nghiệm xã hội của khán giả điện ảnh. Điều đó cũng có nghĩa thay vì các nhà nghiên cứu phim phải là các nhà chuyên môn được đào tạo kỹ năng phân tích phim và sản phẩm điện ảnh thì các nhà lịch sử điện ảnh mới lại có nền tảng đa dạng và liên ngành như kinh tế, xã hội học, địa lý, lịch sử, văn hóa, đô thị, kiến trúc, truyền thông, điện ảnh. Sau phần trình bày tổng quan mang tính lý thuyết, bài viết đưa ra những gợi ý về triển vọng nghiên cứu lịch sử điện ảnh mới ở Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: ĐOÀN THỊ HÀ
Tóm tắt: Củ Chi từ một huyện thuần nông trước đây hiện đang phát triển theo định hướng trở thành một đô thị vệ tinh của TPHCM với sự ra đời của các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được nâng cấp. Từ năm 1997, kinh tế huyện đã thay đổi nhanh chóng với sự gia tăng mạnh mẽ của ngành công nghiệp, trở thành ngành sản xuất chủ lực trong cơ cấu kinh tế Củ Chi. Bằng phương pháp nghiên cứu thực địa dựa trên nguồn tư liệu của địa phương, bài viết làm rõ những chuyển biến trong hoạt động công nghiệp của Củ Chi trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2015.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: TRẦN THANH MINH
Tóm tắt: Là một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng của thời kỳ Khai sáng Đức, Gotthold Ephraim Lessing (1729 - 1781) đã để lại cho nhân loại nhiều tư tưởng có giá trị. Ông không chỉ là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật mà còn là một nhà triết học tôn giáo với một số quan điểm nổi bật. Niềm tin vào lý tính con người, đề cao tinh thần khoan dung và chống lại định kiến giáo điều là những đặc trưng cơ bản của triết học tôn giáo Lessing. Bài viết phân tích một số nội dung tư tưởng trong triết học tôn giáo của ông như lý tính của con người và vấn đề tôn giáo; vấn đề tôn giáo và đạo đức.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: NGÔ THỊ MỸ DUNG
Tóm tắt: Nghi lễ vòng đời của người Khmer ở Nam Bộ được thực hiện dành cho mỗi cá nhân kể từ khi chuẩn bị sinh ra đến lúc qua đời, gồm các nghi lễ như liên quan đến việc sanh nở, đầy tháng, xuất gia, vào bóng mát, hôn lễ, chúc thọ và tang lễ. Mỗi nghi lễ đều thực hiện nhiều nghi thức quan trọng. Những nghi thức này không chỉ dành cho cá nhân người thụ hưởng nghi lễ mà còn biểu thị các chức năng xã hội nhằm duy trì sự toàn vẹn hệ thống xã hội tộc người. Các chức năng xã hội được thể hiện qua nghi lễ vòng đời của người Khmer gồm: biểu thị chuẩn mực của cộng đồng xã hội, mang tính giáo dục và cố kết cộng đồng, giữ gìn văn hóa truyền thống của tộc người. Bài viết dựa trên quan điểm chức năng xã hội của Alfred Radcliffe - Brown (1881-1955) để phân tích nguồn tư liệu thứ cấp và sơ cấp do chúng tôi thu thập trong các cuộc điền dã tại một số địa bàn trong thời gian từ 2017 - 2019.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: DANH LÙNG
Tóm tắt: Trong lịch sử khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn, khoa thi đầu tiên tại trường thi Hương Bình Định được tổ chức vào năm 1852, tính đến khoa thi Hương cuối cùng năm 1918, trường thi này tổ chức được 23 khoa thi. Nếu không kể Trường thi An Giang chỉ mở một khoa năm 1864 rồi phải xóa tên vì bị Pháp chiếm, thì Trường thi Bình Định là trường thứ 7, ra đời muộn nhất, sau cả Trường Thanh Hóa được tái sinh (1848). Bài viết trình bày một số nét khái quát về trường thi Hương Bình Định (thi Hương văn) trên các phương diện: vị trí, quy mô, thời gian thi, quan trường, trường quy, đỗ đạt…, góp phần tìm hiểu thêm về thi Hương nói riêng, khoa cử Nho học nói chung dưới triều Nguyễn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2020
Tác giả: VÕ VĂN THẬT - TRẦN KHẮC HUY
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​