Tóm tắt: Biển là một đặc điểm địa lý tự nhiên quan trọng của Việt Nam, vì biển nằm dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc đến Nam. Với đặc điểm này người Việt có được những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những thử thách, trong đó có thử thách về biên phòng. Nghiên cứu các tư liệu về biển được viết trong Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Nam thực lục cho thấy các triều đại phong kiến Việt Nam từ xưa đã rất quan tâm phòng vệ lãnh thổ từ hướng biển. Ý thức phòng vệ biển luôn thường trực ngay từ khi đất nước giành được độc lập sau một nghìn năm Bắc thuộc và cả trong quá trình phát triển dần vào phía nam. Sự phòng thủ này có thể chủ động hoặc bị động tùy theo từng triều đại và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vận mệnh của đất nước.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2019
Tác giả: LÊ THỊ VĨ PHƯỢNG
Tóm tắt: Trong số các nhân vật quan lại nhà Nguyễn, một “nguyên lão tứ triều”, làm quan trải bốn triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và rất mực thanh liêm, đó là Tổng đốc Đặng Văn Thiêm. Gần 40 năm làm quan, bôn ba khắp nơi, ông đã để lại nhiều dấu ấn trên con đường phát triển của đất nước. Thành công và tủi hận chốn quan trường với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, song nổi bật hơn cả Đặng Văn Thiêm là một vị Tổng đốc luôn tận tụy vì cuộc sống của nhân dân. Bài viết dựa trên những ghi chép trong Đại Nam thực lục của Quốc sử Quán triều Nguyễn, phác họa phần nào góc chân dung của ông cùng những dấu ấn trong cách thức xây dựng, quản lý đê điều cũng như những đóng góp của ông cho các quyết sách nuôi dân.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2019
Tác giả: VƯƠNG THỊ HƯỜNG
Tóm tắt: Tỉnh Champasak là trung tâm kinh tế và du lịch của miền Nam Lào, là một trong những tỉnh có mối quan hệ hữu nghị và phát triển với các địa phương của Việt Nam về giáo dục. Trên cơ sở những báo cáo của các cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào về đối ngoại và hợp tác phát triển giáo dục giữa hai nước và các tỉnh, địa phương, bài viết đánh giá kết quả hợp tác giáo dục Lào - Việt tại Champasak (2010 - 2016), từ đó đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác phát triển giáo dục giữa tỉnh Champasak và các tỉnh, địa phương Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2019
Tác giả: SOULATPHONE BOUNMAPHET
Tóm tắt: Bài viết sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp thông tin của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh (Agribank Tây Ninh) (2013 - 2016) và khảo sát khách hàng gửi tiền (2014 - 2017) tại Chi nhánh này để đánh giá thực trạng về trường hợp huy động vốn từ tiền gửi khách hàng. Trên cơ sở thực trạng huy động vốn tiền gửi của Chi nhánh, bài viết đề xuất giải pháp góp phần mở rộng quy mô huy động vốn tại Agribank Tây Ninh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN THỊ LOAN -TRẦN THỊ MINH THÚY - ĐOÀN THỊ HỒNG MINH - NGUYỄN KHANH TUẤN
Tóm tắt: Tư tưởng dung hợp tam giáo Nho, Phật, Đạo có phần đóng góp không nhỏ để bảo vệ được chủ quyền của dân tộc và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc trong công cuộc chống lại quá trình Hán hóa toàn diện mà dân tộc Việt Nam đã thực hiện thành công trong lịch sử. Qua bài viết tác giả trình bày nguyên nhân văn hóa, kinh tế, chính trị của quá trình dung hợp tam giáo thời kỳ Bắc thuộc và những đặc điểm của hình thức dung hợp tam giáo thời này. Ý thức về độc lập, tự chủ, về phương thức sống, về đối nhân xử thế, về chiều hướng phát triển của tư duy; truyền thống văn hóa cùng với tinh thần quật cường luôn được nuôi dưỡng trong các cuộc đấu tranh giành độc lập là cơ sở để tạo nên sự dung hợp này. Chính vì vậy mà Việt Nam tuy một thời thuộc Hán nhưng không hòa thành Hán, học Nho nhưng chống lại nguyên lý Hoa - Di của Nho, theo Phật nhưng lại nhập thế.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2019
Tác giả: VŨ THỊ THANH THẢO
Tóm tắt: Giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước là chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần kiểm soát để ngăn chặn nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước. Qua tư liệu thu thập được (2013 - 2018), bài viết làm rõ hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tác dụng trên thực tế, góp phần đảm bảo hoạt động thực thi quyền lực nhà nước được tiến hành đúng mục đích và có hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục để nâng cao hiệu quả giám sát của các tổ chức này, đặc biệt trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 7 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN TUẤN ANH
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​