Tóm tắt: Sự cách tân trong nghệ thuật kể chuyện là điểm đáng ghi nhận của truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945. Một trong những sự cách tân này là về vấn đề người kể chuyện. Trong đó, hình thức người kể chuyện ngôi thứ ba góp phần thể hiện rõ nét sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật tự sự của các nhà văn hiện thực nửa đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở nền tảng của tự sự học, chúng tôi hướng đến làm rõ sự thể hiện của hình thức người kể chuyện ngôi thứ ba mang điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn tập trung bên trong và điểm nhìn phức hợp. Từ đó có những nhận xét khái quát khẳng định sự lựa chọn các phương thức tự sự phù hợp để đạt hiệu quả cao trong nghệ thuật viết truyện của các nhà văn giai đoạn này.
Nguồn:
Tác giả: PHẠM THỊ LƯƠNG
Tóm tắt: Sau năm 1975, miền Nam nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng chuyển từ kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa sang cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp dưới sự quản lý của Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Hoạt động thương nghiệp ở miền Đông Nam Bộ bị tác động tiêu cực bởi chính sách “cải tạo tư bản tư doanh”. Hệ thống chợ trong vùng giảm dần vai trò của mình với sự ra đời của hệ thống cửa hàng hợp tác xã thương nghiệp quốc doanh. Sau năm 1986, Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế, chủ động hội nhập khu vực và thế giới; hệ thống chợ ở miền Đông Nam Bộ từng bước hồi sinh, nhiều chợ mới ra đời đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào sự hình thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguồn:
Tác giả: LÊ QUANG CẦN
Tóm tắt: Ba tộc người Hmông, Dao, Pà Thẻn thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, phân bố cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay tuy có nhiều nghiên cứu về các tộc người này, song những công trình riêng về nhà ở của họ còn ít về số lượng, nhất là thiếu nghiên cứu so sánh giữa các tộc người. Qua một số nghiên cứu đã công bố cùng với nguồn tư liệu điền dã cho thấy, nhà ở của các tộc người nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao có nhiều nét tương đồng về cấu trúc và cách bố trí mặt bằng sinh hoạt trong nhà. Sự khác biệt thể hiện chủ yếu ở cách bố trí chỗ ngủ cho các thành viên trong nhà, nơi đặt bếp lửa... Riêng loại hình nhà, người Hmông thường ở nhà nền đất, người Pà Thẻn ở nhà nền đất và nhà nền sàn, người Dao thì có cả ba loại hình gồm nhà nền đất, nhà nền sàn và nhà nền nửa sàn nửa đất.
Nguồn:
Tác giả: PHẠM MINH PHÚC
Tóm tắt: Đầu thế kỷ XX, dưới tác động của những tư tưởng dân chủ tư sản thông qua các sách báo truyền về từ Nhật Bản và Trung Quốc, các sĩ phu yêu nước, đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, đã phát động phong trào Duy Tân ở Việt Nam. Phong trào đã lan rộng đến nhiều vùng ở Việt Nam, trong đó có Nam Kỳ. Bài viết tập trung trình bày phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX thông qua hai diễn biến cụ thể: Đông Du và Minh Tân. Trên cơ sở đó, bài viết cũng rút ra những đặc điểm của phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.
Nguồn:
Tác giả: VÕ VĂN SEN
Tóm tắt: Bài viết là một phần nội dung của đề tài nghiên cứu năm 2016: “Mạng lưới phân phối lúa gạo tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh hội nhập của vùng Tây Nam Bộ” do tác giả bài viết làm chủ nhiệm. Thực trạng mạng lưới phân phối lúa gạo tỉnh Kiên Giang, cách thức hoạt động của các chủ thể tham gia mạng lưới phân phối lúa gạo, những vấn đề hạn chế của mạng lưới và nguyên nhân là những nội dung được phản ánh trong bài viết này. Qua đó cho thấy mạng lưới phân phối lúa gạo của Kiên Giang còn có những đặc điểm và hạn chế sau: tồn tại nhiều kênh phân phối và đối tượng trung gian; giá trị gia tăng của sản phẩm qua chế biến và tiêu thụ thấp; mối liên kết trong mạng lưới phân phối mang tính tự phát, lỏng lẻo và thiếu cơ sở pháp lý; việc tiếp cận thông tin và phân chia lợi nhuận của các chủ thể trong mạng lưới chưa thực sự thỏa đáng.
Nguồn:
Tác giả: HOÀNG THỊ THU HUYỀN
Tóm tắt: Bài viết phân tích sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thông qua các quy hoạch từ sau năm 1975, từ quy hoạch tổng thể năm 1993 đến quy hoạch chung năm 1998 và năm 2010. Các chuyển động đô thị hóa được xem xét qua các yếu tố của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự biến động về dân số và việc mở rộng không gian đô thị cùng với sự xuất hiện của các khu đô thị mới, khu dân cư mới. Việc phát triển không gian đô thị của TPHCM thể hiện khuynh hướng liên kết vùng - phát triển vùng đại đô thị. Bên cạnh đó, bài viết cũng soi rọi sự phát triển của không gian đô thị của TPHCM qua lý thuyết vùng đại đô thị ở khu vực Đông Nam Á của Terry Mc Gee.
Nguồn:
Tác giả: TÔN NỮ QUỲNH TRÂN - TRƯƠNG HOÀNG TRƯƠNG
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​