Tóm tắt: Qua phân tích hiện trạng sinh kế dựa vào 4 nguồn lực (nhân lực, xã hội, vật chất, tài chính), bài viết đánh giá thực trạng nguồn lực kinh tế - xã hội hỗ trợ sinh kế của các hộ dân tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TPHCM. Bài viết đồng thời gợi mở cho việc quy hoạch bố trí không gian sản xuất hợp lý các loại hình sinh kế gắn với bảo tồn và phát triển.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Nguyễn Thị Phượng Châu - Hoàng Trọng Tuân - Lê Đức Tuấn
Tóm tắt: Cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội cũng như quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trên cơ sở khái lược một số nét về cách mạng khoa học - công nghệ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bài viết phân tích tác động của cách mạng khoa học - công nghệ đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế – nội dung quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Phùng Văn Ứng
Tóm tắt: Tìm hiểu hoạt động khai thác, sử dụng tài liệu tại các trung tâm lưu trữ có ý nghĩa thiết thực đối với ngành lưu trữ và xã hội. Đây là một khía cạnh rất quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành lưu trữ nói chung và các trung tâm lưu trữ nói riêng đối với cộng đồng. Bài viết khảo lược hoạt động khai thác tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, đề xuất giải pháp để hoạt động khai thác, sử dụng nguồn sử liệu này ngày càng hiệu quả hơn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Nguyễn Thị Ly
Tóm tắt: Đầu thế kỷ XX, trong văn học bắt đầu xuất hiện những cây bút tôn vinh người phụ nữ, trong đó có Hồ Biểu Chánh. Ông đã viết về các nhân vật nữ không chỉ bằng tình yêu thương, cảm thông, thấu hiểu, mà còn có cả sự trân trọng, tôn vinh cái đẹp. Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh biết sống, biết suy nghĩ, vượt lên trên những cái thường tình, biết đấu tranh đòi quyền bình đẳng và khẳng định vai trò quan trọng của nữ giới trong xã hội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Nguyễn Văn Nở - Huỳnh Thị Lan Phương
Tóm tắt: Phát triển các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu có chỉ số trích dẫn cao trong hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học trong và ngoài nước là một trong những yêu cầu quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của tạp chí khoa học Việt Nam thời kỳ này. Trên cơ sở tìm hiểu về các hệ thống dữ liệu và trích dẫn tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, bài viết giới thiệu khái lược về một số hệ thống trích dẫn phổ biến trong nước, trong khu vực và trên thế giới; đồng thời thống kê, so sánh số liệu các tạp chí khoa học Việt Nam tham gia các hệ thống này từ năm 2019 đến nay; qua đó thấy được tình hình hội nhập của tạp chí khoa học Việt Nam trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Nguyễn Thị Luyện
Tóm tắt: Khi nói về các hiện tượng tôn giáo, hay các hình thái ý thức xã hội, C. Mác không coi chúng như là những sự vật tự nó hay những đặc trưng vốn có của các xã hội hay các nhóm người trong lịch sử, mà ông luận giải rằng sự xuất hiện và tồn tại của tôn giáo xuất phát từ hiện thực khách quan và nguồn gốc quan trọng nhất của tôn giáo chính là điều kiện kinh tế - xã hội. Từ quan điểm duy vật lịch sử này của C. Mác, chúng tôi nghiên cứu sự ảnh hưởng của cơ cấu kinh tế - xã hội đến biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer Nam Bộ trong mối quan hệ của nó với chính quá trình biến đổi kinh tế xã hội của họ từ quá khứ đến hiện tại và nhất là trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Bài viết này, chúng tôi coi sự cải đạo của người Khmer từ Phật giáo Nam tông sang Tin Lành như một sự biến đổi đặc biệt.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Nguyễn Đức Dũng - Đỗ Thu Hường
Tóm tắt: Trên cơ sở sưu tập, phân loại, đối sánh các nguồn tư liệu báo chí đương thời, bài viết lần đầu tiên cập nhật sự kiện về Hội chợ Triển lãm Sài Gòn 1942 – 1943, hội chợ cuối cùng được chính phủ thuộc địa ở Đông Dương tổ chức. Đây là hội chợ diễn tiến với khoảng thời gian dài nhất, quy mô lớn nhất, có số lượt người tham gia đông đảo nhất, bao quát cả 5 xứ của Đông Dương và của Nhật Bản.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 6(274)2021
Tác giả: Nguyễn Văn Giác
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​