Tóm tắt: Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) là một trí thức tiêu biểu ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Ông kiêm nhiều việc: thông ngôn, giảng dạy, làm báo, biên khảo và ở lĩnh vực nào cũng đạt được thành tựu đáng ghi nhận. Riêng với việc giảng dạy, Trương Vĩnh Ký chủ trương theo lối giáo dục mới kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp Tây phương hiện đại, chú trọng đến việc việc gìn giữ và phát huy các giá trị luân lý đạo đức Đông phương. Một trong những cách thức để Trương Vĩnh Ký thực hiện chủ trương giáo dục này là nỗ lực truyền dạy chữ Nho, bởi ông xem đó là một phương tiện quan trọng để con người phát triển theo thời đại mới nhưng vẫn không bị chia cắt khỏi các giá trị truyền thống. Tinh thần và phương pháp giáo dục của ông được nhiều trí thức ủng hộ và kế thừa.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 6 năm 2020
Tác giả: LƯU HỒNG SƠN
Tóm tắt: Kết quả khai quật khảo cổ học ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar cho thấy văn hóa Óc Eo phân bố trên phạm vi rộng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (tức hạ lưu sông Mekong) với mức độ các di chỉ khác nhau. Khu vực Tây sông Hậu được xem là địa bàn khởi nguồn của văn hóa Óc Eo và đặt nền móng cho sự hình thành quốc gia Phù Nam sơ khai. Giá trị văn hóa vật thể của cư dân văn hóa Óc Eo Tây sông Hậu đã góp phần vào sự phát triển của văn hóa Óc Eo và “đế chế Phù Nam”. Trên cơ sở tổng hợp - phân tích nguồn tư liệu từ các nghiên cứu đã công bố, bài viết nhận diện những đặc trưng văn hóa vật thể của cư dân văn hóa Óc Eo trên vùng đất Tây sông Hậu.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 6 năm 2020
Tác giả: TRẦN TRỌNG LỄ
Tóm tắt: Chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp. Bến Tre được biết đến là một trong những tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong thời gian gần đây. Tuy nhiên một số vấn đề như: tiếp cận vốn ngân hàng, thủ tục tài chính, thuế, đầu tư nước ngoài còn nhiều vướng mắc đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Bến Tre hiện nay. Bài viết phân tích làm rõ những vướng mắc này, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phù hợp với các nguồn lực hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 6 năm 2020
Tác giả: PHAN DIÊN VỸ - PHAN THỊ LINH - VÕ THỊ NGỌC HÀ - VÀ CÁC CỘNG SỰ
Tóm tắt: Dựa trên các lý thuyết về tăng trưởng và những yếu tố của tăng trưởng kinh tế, bài viết chỉ ra những vấn đề cơ bản trong tăng trưởng GRDP của TPHCM là vốn, lao động và TFP. Nghiên cứu đánh giá thực trạng các yếu tố vốn, lao động và TFP giai đoạn 2015-2019 cho thấy, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tiếp theo, Thành phố cần tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể, cấp bách liên quan đến cơ chế đặc thù, vốn đầu tư công, phân bổ đầu tư trong điều kiện nguồn lực giới hạn và chuẩn bị nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 6 năm 2020
Tác giả: HOÀNG THỊ THU HUYỀN
Tóm tắt: Hệ thống chỉ báo là một trong những công cụ để đo lường mức độ hiệu quả của một chương trình hoặc chính sách so với mục tiêu của nó đã đề ra. Hệ thống chỉ báo trợ giúp xã hội phụ thuộc vào mục tiêu hay quan niệm của chính sách trợ giúp xã hội. Bài viết nghiên cứu thực trạng công tác trợ giúp xã hội và đánh giá công tác trợ giúp xã hội, trường hợp điển hình tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2018, trên cơ sở đó đề xuất hệ thống chỉ báo trợ giúp xã hội nhằm đáp ứng hoạt động quản lý công tác này của tỉnh đạt hiệu quả.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 6 năm 2020
Tác giả: LÊ TRUNG ĐẠO
Tóm tắt: Việc tiếp cận với bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin có ý nghĩa đặc biệt đối với sự lựa chọn chính trị của Nguyễn Ái Quốc vào cuối năm 1920 tại Đại hội Tours. Đó là sự lựa chọn có tính chất sống còn, quyết định con đường cách mạng Việt Nam sau này. Sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị đã tạo nên một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với chủ thuyết phát triển đáp ứng yêu cầu của dân tộc là đánh đuổi thực dân Pháp và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nói về “chủ nghĩa dân tộc” Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đó không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hay chủ nghĩa dân túy, mà là sự kết tinh những giá trị dân tộc và thời đại trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đề cao lợi ích dân tộc, xem đó là điều kiện, cơ sở để giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đường lối đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập, qua đó thể hiện một cách hài hòa biện chứng lợi ích dân tộc và lợi ích nhân loại trong một thế giới mở, thế giới “phẳng”, nhưng hết sức phức tạp như hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 6 năm 2020
Tác giả: ĐINH NGỌC THẠCH - LÊ THỊ MINH THY
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​