Tóm tắt: Du ký Việt Nam từ thời trung đại đến thời hiện đại đã có sự vận động, chuyển biến nội tại để tạo nên diện mạo riêng. Giữa du ký Hán Nôm thời trung đại và du ký Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, sự khác biệt không chỉ về ngôn ngữ mà còn về nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, sự khác biệt giữa du ký Hán Nôm và du ký Quốc ngữ thể hiện ở các phương diện như: thiên hướng chủ tình và chủ sự, phạm vi phản ánh, nguyên tắc chuyển dịch thẩm mỹ, tính chất nguyên hợp… Về nghệ thuật, điểm phân biệt giữa du ký Hán Nôm và du ký Quốc ngữ là nghệ thuật ngôn từ, yếu tố huyền thoại, kỳ ảo...
Nguồn:
Tác giả: TRẦN THỊ TÚ NHI
Tóm tắt: Vùng đất Nam Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nhà Nguyễn trong công cuộc thiết lập vương triều cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nhưng tại đây, chính quyền nhà Nguyễn thường xuyên phải đối phó với nạn ngoại xâm và những bất ổn về chính trị. Vì vậy, dưới thời nhà Nguyễn nói chung, dưới thời Gia Long và Minh Mạng nói riêng, triều đình đã thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ riêng và áp dụng linh hoạt các biện pháp thưởng phạt đối với đội ngũ quan lại ở đây. Điều đó đã giúp Gia Long và Minh Mạng có được đội ngũ quan lại tận tâm, giàu năng lực phục vụ cho triều đình, bảo vệ vững chắc chủ quyền ở vùng đất phương Nam xa xôi.
Nguồn:
Tác giả: LƯU VĂN QUYẾT
Tóm tắt: Bệnh dịch được đề cập trong không ít nguồn sử liệu triều Nguyễn, nhưng cho đến nay, vì nhiều nguyên nhân chủ đề này vẫn chưa được giới học giả trong và ngoài nước quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này vẫn chưa thật sự phong phú. Trên cơ sở khai thác nguồn sử liệu gốc từ Đại Nam thực lục và các thành quả nghiên cứu có liên quan, bài viết đã đi sâu làm rõ nguyên nhân, những biểu hiện cụ thể cũng như hậu quả của bệnh dịch, nhằm cung cấp cho giới nghiên cứu bức tranh toàn cảnh về thực trạng bệnh dịch dưới triều Nguyễn (1802-1883)
Nguồn:
Tác giả: TRƯƠNG ANH THUẬN
Tóm tắt: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao được xem là một trong những chương trình kiểu mẫu theo mô hình giáo dục của Pháp nói riêng và Châu Ấu nói chung. Từ nghiên cứu trường hợp này, chúng tôi nhận thấy được những mặt tích cực mà chương trình mang lại: chương trình đã tạo được niềm tin với sinh viên đang theo học, đặc biệt là giá trị bằng cấp khi tham gia vào thị trường lao động; chương trình đã thêm vào những kiến thức phi-kỹ thuật để trang bị cho người kỹ sư tương lai những hiểu biết cần thiết về các giá trị văn hóa-xã hội, những kỹ năng quản trị các dự án cụ thể trên hiện trường; đó là những những kỹ năng mềm cần thiết của kỹ sư ra trường mà Việt Nam còn rất thiếu và yếu; những sinh viên ra trường có khả năng thích ứng với môi trường sản xuất khắc nghiệt hiện nay. Vì vậy, bước đầu có thể thấy nội dung đào tạo chương trình Việt - Pháp đã đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sản xuất.
Nguồn:
Tác giả: ĐÀO QUANG BÌNH
Tóm tắt: Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Bình Phước trong năm 2017 bằng phương pháp tiếp cận liên kết chuỗi giá trị (ValueLinks) của GTZ. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 kênh thị trường trong ngành hàng điều tỉnh Bình Phước. Trong đó, 48% sản lượng điều được phân phối thông qua các kênh thị trường sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa và phần còn lại (52%) qua các kênh sử dụng nguyên liệu nhập khẩu; kênh thị trường qua các trung gian (thương lái, đại lý) chiếm 98% sản lượng điều trong nước. Người trồng điều sẽ hưởng lợi (thu nhập cao) nếu ở trong kênh qua ít trung gian hơn. Phân tích hiệu quả tài chính chuỗi cho thấy chuỗi sử dụng nguyên liệu nhập khẩu có giá trị gia tăng ròng thấp hơn nhiều so với chuỗi nguyên liệu trong nước. Để hoàn thiện nâng cấp chuỗi, cần liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị một cách chặt chẽ hơn, giảm bớt các tác nhân trung gian tham gia, tăng nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước, điều chỉnh chiến lược xuất khẩu và chế biến sản phẩm.
Nguồn:
Tác giả: HOÀNG THỊ THU HUYỀN - LÊ VĂN GIA NHỎ
Tóm tắt: Nạn nhân học (Victimology) là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành chỉ mới xuất hiện trên thế giới vào giữa thế kỷ XX. Lĩnh vực nghiên cứu này hướng sự phân tích vào một thành phần gần như bị bỏ quên trong các nghiên cứu xã hội học tội phạm và tội phạm học đó là các nạn nhân của tội phạm (Crime victims) nhằm làm sáng tỏ hơn nữa những nguyên nhân của tội phạm để từ đó giúp hiểu được một cách đầy đủ hơn về những hậu quả của các hành vi tội phạm đối với nạn nhân cũng như tình hình tội phạm nói chung. Bài viết này nhằm mục tiêu trình bày tổng quan về sự hình thành và các hướng nghiên cứu trong nạn nhân học như là một gợi ý cho việc nghiên cứu về lĩnh vực này ở Việt Nam trong tương lai.
Nguồn:
Tác giả: LÊ MINH TIẾN
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​