Tóm tắt: Học sinh Khmer bậc Tiểu học ở hai khu vực Bình Phước (Đông Nam Bộ) và Trà Vinh, Sóc Trăng (Tây Nam Bộ) đều phải sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên, năng lực, mức độ và phạm vi sử dụng ngôn ngữ quốc gia này của học sinh của hai khu vực có những hạn chế rất lớn và rất khác biệt so với học sinh người Kinh. Vậy, nguyên nhân từ đâu? Bài viết sẽ một phần trả lời cho câu hỏi trên nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ, chính sách giáo dục và những người xây dựng chương trình sách giáo khoa có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 5 năm 2019
Tác giả: Hồ Xuân Mai
Tóm tắt: Sau năm 1955, giáo dục của người Việt gốc Hoa chuyển từ nền giáo dục Pháp thuộc sang nền giáo dục mới dưới quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã đặt ra nhiều quy định, thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Bài viết tìm hiểu một số quy định này đối với hoạt động giáo dục của người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn những năm 1955 - 1975. Các quy định cụ thể bao gồm: Quy định về việc thành lập trường; Về sách giáo khoa, số giờ dạy tiếng Việt và tiếng Hoa; Về giáo viên giảng dạy...
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 5 năm 2019
Tác giả: Phạm Ngọc Hường
Tóm tắt: Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và các tạp chí khoa học của Việt Nam không thể đứng ngoài quỹ đạo hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc xuất bản các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế, có chỉ số trích dẫn cao, được quốc tế công nhận là một trong những yêu cầu quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của nền khoa học và công nghệ Việt Nam thời kỳ này. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng khoa học và hình thức trình bày của các tạp chí khoa học của Việt Nam hiện nay. Từ đó, bài viết cung cấp cơ sở khoa học để các nghiên cứu tiếp theo tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 5 năm 2019
Tác giả: Nguyễn Đức Huy - Hà Phương
Tóm tắt: Trên thế giới hiện nay đã có khá nhiều mô hình cho phép đo lường, đánh giá năng lực công nghệ số của sinh viên và các năng lực khác liên quan. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu trên một mẫu xác định để phác thảo ra một mô hình ứng dụng ban đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu là bốn chương trình đào tạo của Việt Nam đã tham gia đánh giá chất lượng theo ASEAN University Network Quality Assurance (AUN-QA) từ 2009 đến 2014. Nghiên cứu áp dụng phương thức tiếp cận “phân tích bán khám phá”, kết quả xác định được một mô hình “3 nhân tố, 8 thành tố” để bước đầu đánh giá năng lực công nghệ số của sinh viên Việt Nam. Qua phân tích mối quan hệ giữa bộ chuẩn của UNESCO và ACRL cùng kết quả khảo sát cho thấy tính hợp lý của mô hình đề xuất.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 5 năm 2019
Tác giả: Pascal Marque - Nguyễn Tấn Đại
Tóm tắt: Sông Mekong đã bồi đắp nên một vùng châu thổ hạ lưu tiếp giáp với biển tạo nên cảnh quan biển đảo, rừng ngập mặn và đồng bằng trù phú ở Tây Nam Bộ Việt Nam. Cư dân ở đây gồm người Việt, Khmer, Hoa và Chăm trong quá trình tụ cư đã thích nghi với điều kiện tự nhiên và sáng tạo nên những nét độc đáo trong văn hóa của mỗi tộc người, tích hợp nên vùng văn hóa Tây Nam Bộ. Hoạt động mưu sinh của cư dân tại từng vùng sinh thái của Tây Nam Bộ đã tạo nên văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn và văn hóa biển đảo trên vùng đất này. Đó là lợi thế để Tây Nam Bộ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 5 năm 2019
Tác giả: Nguyễn Hữu Nghị
Tóm tắt: Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là một trong những nhà tư tưởng tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ XVIII. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một trong những tác phẩm quan trọng mà ông để lại cho hậu thế. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh thể hiện những quan điểm triết học phong phú, đặc sắc và những giá trị nhân sinh hướng đến chân, thiện, mỹ. Tác phẩm cũng chính là một phương án kết hợp tam giáo độc đáo theo lối dĩ Thích nhập Nho trước sự khủng hoảng đường lối tư tưởng thống trị lúc bấy giờ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 5 năm 2019
Tác giả: Cao Xuân Long
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​