Tóm tắt: Giới từ tiếng Anh là một từ loại phức tạp về ngữ nghĩa, chức năng và cấu trúc. Bài viết này phân tích đặc điểm của giới từ tiếng Anh để tìm ra các nguyên nhân khiến người học tiếng Anh, cụ thể là người học Việt Nam, gặp nhiều khó khăn. Bài viết này cũng phân tích và giới thiệu phương pháp dạy và học giới từ tiếng Anh theo quan điểm ngôn ngữ học tri nhận và đồng vị. Những phân tích này cho thấy rằng việc dạy giới từ tiếng Anh theo quan điểm ngôn ngữ học tri nhận và đồng vị có lợi cho người học tiếng Anh như là một ngoại ngữ; đồng thời bài viết đề xuất một số giải pháp cho dạy và học giới từ tiếng Anh theo quan điểm này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: BÙI PHÚ HƯNG - NGUYỄN NHẬT QUANG
Tóm tắt: Bài viết bước đầu tìm hiểu kiểu truyện về người mồ côi của người Mạ ở Đồng Nai qua Truyện kể người Mạ Đồng Nai; qua đó nêu lên một số nhận xét về đặc điểm hình tượng nhân vật mồ côi của truyện kể Mạ. Trong tương quan với hình tượng nhân vật mồ côi, bất hạnh của truyện cổ tích thần kỳ nói chung, hình tượng nhân vật mồ côi qua truyện kể người Mạ còn có sự khác biệt thể hiện nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Mạ truyền thống.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: MAI THỊ HUỆ
Tóm tắt: Dưới góc độ khảo tả dân tộc học bài viết trình bày về hôn lễ truyền thống cũng như hôn lễ hiện nay của tộc người Cơ Tu ở thôn Aka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghiên cứu cho thấy, trong quá trình sống gần gũi với các tộc người khác, truyền thống hôn lễ của người Cơ Tu đã có những biến đổi bởi sự giao lưu tiếp biến văn hóa dưới nhiều góc độ. Song những nét đặc trưng truyền thống trong hôn lễ của người Cơ Tu vẫn được bảo lưu.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: VÕ THỊ TUYẾT NGA - NGUYỄN TẤN KHANG - ĐẶNG THÙY LIÊN
Tóm tắt: Đời sống của người cao tuổi chịu ảnh hưởng của quá trình già hóa dân số. Bài viết này phân tích thực trạng đời sống của người cao tuổi ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm kiếm sự tương đồng và khác biệt với các nghiên cứu trước đó qua các chiều cạnh: thu nhập, sức khỏe, mối quan hệ của người cao tuổi và hoạt động nhàn rỗi, dựa trên điều tra mẫu 228 người cao tuổi và phỏng vấn sâu cán bộ địa phương tại 5 tỉnh trong vùng; từ đó, gợi mở một số khuyến nghị để hỗ trợ người cao tuổi có cuộc sống tốt đẹp trong bối cảnh già hóa dân số.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: PHAN THUẬN
Tóm tắt: Hầu hết những người Việt sinh sống và làm nghề đánh bắt cá ở khu vực quanh Biển Hồ (Campuchia) với cuộc sống khó khăn và không có quốc tịch. Những năm gần đây, nhiều người trong số đó đã di cư tự do về Việt Nam sinh sống. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, do không có quốc tịch nên cuộc sống của họ bấp bênh. Nghiên cứu này tìm hiểu khả năng tiếp cận việc làm của người gốc Việt không có quốc tịch di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam. Ngoài các dữ liệu thứ cấp, bài viết sử dụng dữ liệu sơ cấp thu thập từ các cuộc phỏng vấn sâu bán cấu trúc và quan sát tham dự ở thực địa tại hai địa bàn xã Tân Thành và xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - nơi được xem là có nhiều người Việt trở về từ Campuchia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng bấp bênh về pháp lý gần như quyết định khả năng tiếp cận việc làm của nhóm người này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: NGUYỄN NỮ NGUYỆT ANH - CAO THANH TÂM
Tóm tắt: Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi của dân tộc Việt Nam một ngày bằng sức mạnh của 20 năm. Thắng lợi viết lên những trang sử chói lọi của dân tộc, có ý nghĩa thời đại góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới. Thắng lợi của chiến dịch này đã ghi nhận công lao đóng góp của tất cả các lực lượng quần chúng nhân dân yêu nước. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, bài viết khắc họa lại bức tranh về lực lượng quần chúng nhân dân ở Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: HỒ HỮU NHỰT*
Tóm tắt: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ đã lùi xa 45 năm (1975 - 2020). Trong khoảng thời gian nói trên, đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích một số nguyên nhân sụp đổ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1973 - 1975. Qua đó góp phần lý giải sự thất bại của một đội quân được Mỹ xây dựng, huấn luyện, chỉ huy và trang bị phương tiện chiến tranh vào loại hiện đại bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 4 năm 2020
Tác giả: VŨ QUÝ TÙNG ANH - NGUYỄN THỊ THU HÀ
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​