Tóm tắt: Kiều Thanh Quế là nhà phê bình, nghiên cứu văn học tiêu biểu ở Nam Bộ vào những năm đầu thế kỷ XX. Ông là một người yêu nước, từng tham gia các hoạt động cứu nước, có thái độ căm ghét cường quyền và từng bị quản thúc tại Cần Thơ. Cần Thơ đã trở thành vùng đất nặng ân tình với ông. Trên xứ sở Cầm Thi, trong những ngày bị chính quyền đương thời theo dõi, kiềm kẹp ông đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp cầm bút. Đất, người Cần Thơ đã lưu dấu ấn trong các công trình nghiên cứu của ông. Những công trình, bài báo ra đời trong thời gian Kiều Thanh Quế ở Cần Thơ đã thể hiện tấm lòng, tài năng của một người say mê văn học, miệt mài cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc. Tuy vẫn còn đâu đó hạn chế nhất định, nhưng các công trình ấy vẫn đủ để chứng minh thời gian ở Cần Thơ là thời gian Kiều Thanh Quế viết sung sức nhất và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu, phê bình ở buổi bình minh của văn học quốc ngữ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: HUỲNH THỊ LAN PHƯƠNG - NGUYỄN VĂN NỞ
Tóm tắt: Nhắc đến thành công của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại không thể không nhắc đến vai trò của nhà văn trong nghệ thuật hư cấu nhiều dạng lời khác nhau trong tác phẩm, đặc biệt ở phần lời văn gián tiếp. Đây là toàn bộ phần lời của tác giả, của người kể chuyện có chức năng trình bày toàn bộ thế giới hình tượng, kể cả các yếu tố nội dung, hình thức của lời nhân vật cho người đọc hiểu rõ. Bài viết bước đầu nghiên cứu tiểu thuyết lịch Việt Nam đương đại ở phương diện nghệ thuật hư cấu lời gián tiếp qua lời gián tiếp một giọng và lời gián tiếp hai giọng. Từ đó bài viết góp phần làm rõ những đặc trưng làm nên thành công của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: ĐOÀN THỊ HUỆ
Tóm tắt: Sài Gòn - TPHCM là đô thị đa sắc thái văn hóa, nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo. Sau cuộc di cư lớn năm 1954, đây là nơi đông giáo dân Công giáo thứ 2 cả nước. Kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Sài Gòn - TPHCM từ năm 1954 đến nay có nhiều điểm đặc biệt. Trước hết, kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Sài Gòn - TPHCM chịu sự ảnh hưởng của không gian đô thị về mặt kết cấu bên trong. Kế đến, kiến trúc nhà thờ lại chịu ảnh hưởng của tâm thức văn hóa trong từng cộng đồng giáo dân về mặt trang trí bên ngoài. Bài viết dựa vào lý thuyết sinh thái nhân văn để chứng minh khả năng thích ứng với môi trường đô thị và dựa vào lý thuyết tiếp biến văn hóa để giải thích về những khác biệt trong quan điểm thẩm mỹ trang trí bên ngoài. Qua đó, bài viết mong muốn góp thêm tư liệu tham khảo cho chính quyền thành phố trong những quy hoạch tương lai.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: ĐINH THIỆN PHƯƠNG
Tóm tắt: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường tất yếu giúp Việt Nam tiến kịp các nước phát triển trên thế giới. Cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ có vai trò quyết định đến thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết trình bày khái lược một số nội dung của cách mạng khoa học - công nghệ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ đó phân tích thực trạng tác động của cách mạng khoa học - công nghệ đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp vận dụng tác động của cách mạng khoa học - công nghệ đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: PHÙNG VĂN ỨNG
Tóm tắt: Nhà tù Côn Đảo được tiến hành xây dựng từ năm 1862, ngay sau khi Pháp xác lập việc đô hộ đối với 3 tỉnh miền Đông của Nam Kỳ. Đây là một trong những nhà tù đầu tiên và có quy mô lớn nhất ở miền Nam mà thực dân Pháp xây dựng để giam giữ những thành phần bị coi là chống đối, đe dọa tiến trình “khai sáng văn minh cho các dân tộc dã man” của nước Pháp. Nhà tù Côn Đảo được gọi là “địa ngục trần gian” vì chế độ giam cầm khắc nghiệt, chế độ lao động cực khổ và những hình thức kỷ luật, tra tấn, đánh đập tù nhân hết sức dã man, hàng ngàn tù nhân bệnh tật liên miên. Trong bài viết này tác giả phân tích tình hình tù nhân mắc bệnh giai đoạn 1946 - 1954 để có thể thấy thêm một khía cạnh “địa ngục” ở nhà tù Côn Đảo.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: HỒ VIẾT HÙNG
Tóm tắt: Không chỉ có những cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người, Hà Giang còn được biết đến là một miền đất đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh các phong tục tập quán, các lễ hội, các loại hình văn học nghệ thuật thì văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng góp phần quan trọng trong việc nhận dạng đặc trưng văn hóa tộc người, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe. Đặc biệt, với việc đem lại những trải nghiệm khó quên cho du khách khi đặt chân đến miền đất này, văn hóa ẩm thực còn đang góp phần tích cực trong phát triển du lịch và cải thiện sinh kế. Trên cơ sở nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Hà Giang, bài viết đưa ra một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các loại hình ẩm thực tiêu biểu trong bối cảnh hiện nay như việc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm; nâng cao tính “bản sắc” và “chuyên nghiệp” trong phục vụ ẩm thực; vinh danh những người nấu ăn giỏi và mở lớp đào tạo, truyền dạy về văn hóa ẩm thực cho thế hệ trẻ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: BÙI THỊ BÍCH LAN
Tóm tắt: Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, thời đại mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Nhà nước Văn Lang trên cơ sở nền Văn hóa Đông Sơn luôn có một vị trí hết sức đặc biệt trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, việc làm sáng tỏ các vấn đề tồn nghi theo các cách tiếp cận khác nhau như: văn hóa dân gian, sử học hay khảo cổ học về thời đại Hùng Vương không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 3 năm 2020
Tác giả: TRẦN ĐỨC CƯỜNG
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​