Tóm tắt: Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ tầm quốc gia, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đây là một công cụ quan trọng đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Bài viết góp phần phân tích chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam, trên cơ sở xem xét đặc thù và bối cảnh của vùng Đông Nam Bộ, đề xuất một số gợi ý chính sách giúp các địa phương thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: TRẦN THỊ HẢI YẾN
Tóm tắt: Henri Bergson là đại diện tiêu biểu của thuyết trực giác và triết học đời sống. Một trong những công trình có vai trò mở đường, đặt nền móng cho sự phát triển của triết học Henri Bergson – triết học về trực giác là tác phẩm Matière et mémoire (Vật chất - ký ức); trong đó, ông đề cập tới vấn đề tranh luận muôn thuở của triết học: vật chất - tinh thần và mối quan hệ giữa chúng. Tinh thần dưới góc nhìn của Bergson rất năng động và có sức mạnh tiềm ẩn; là một năng lực có thể tự lấy ở mình ra nhiều hơn là mình mang sẵn, có thể phân phát nhiều hơn là đã tiếp nhận, cung cấp nhiều hơn là cái mình có sẵn. Ông thổi phồng, tuyệt đối hóa ý thức, năng lực tinh thần của con người; xem tinh thần có sức mạnh lấn nhập vào vật chất, bắt nó mưu lợi cho mình; đồng thời, ông nhìn nhận vai trò vật chất khá mờ nhạt, vật chất là bất động.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: TRỊNH THỊ HẰNG
Tóm tắt: Nông nghiệp công nghệ cao được nhìn nhận là giải pháp cho việc thiếu hụt nguồn lực sản xuất (nhân lực, đất đai); đồng thời nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất nông nghiệp. Bình Dương vốn là tỉnh công nghiệp nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là giải pháp giúp địa phương phát triển hài hòa các ngành kinh tế theo định hướng phát triển xanh và bền vững. Kết quả điển cứu tại huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương cho thấy, sự hiệp trợ giữa nông nghiệp và du lịch trong mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao có thể tạo cho địa phương nền tảng nông nghiệp với các giá trị đặc sắc và du lịch trở thành phương tiện để lan tỏa, tăng cường các giá trị đó. Thêm vào đó, định hướng phát triển làng thông minh/nông thôn mới thông minh mang đến triển vọng về hiệu quả của mô hình trong việc thực hiện mục tiêu của phát triển kinh tế xanh; góp phần định vị thương hiệu địa phương của tỉnh Bình Dương.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN - DƯƠNG TRƯỜNG PHÚC
Tóm tắt: Bài viết dựa trên nghiên cứu sử dụng lý thuyết về kiểm soát nội bộ của COSO để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tính hiệu lực trong kiểm soát cấp tín dụng xanh tại ngân hàng và khuyến nghị giải pháp nâng cao hoạt động kiểm soát cấp tín dụng xanh, từ đó góp phần phát triển hoạt động tín dụng xanh tại ngân hàng Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 190 lãnh đạo và nhân viên của 18 ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong khoảng thời gian tháng 4 - 10/2023. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA và ước lượng mô hình bằng phương pháp OLS cho thấy các nhân tố có ảnh hưởng cùng chiều và ảnh hưởng mạnh đến tính hiệu lực của hoạt động cấp tín dụng xanh tại ngân hàng thương mại Việt Nam lần lượt là Môi trường kiểm soát - Giám sát rủi ro - Thủ tục kiểm soát - Thông tin truyền thông.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: NGUYỄN THỊ LOAN - TRƯƠNG VŨ TUẤN TÚ - LÊ THỊ TUYẾT HOA - NGUYỄN VĂN TRIỆU PHONG
Tóm tắt: Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch làng nghề, đặc biệt là làng nghề truyền thống. Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, qua các hoạt động du lịch, làng nghề truyền thống còn góp phần gìn giữ, quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của Bến Tre, cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc khai thác các giá trị văn hóa làng nghề trong phát triển du lịch ở Bến Tre hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên sẵn có của địa phương.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: TRẦN MINH ĐỨC - TRẦN DŨNG
Tóm tắt: Trong bài viết này, chúng tôi phân tích tác phẩm Bảo kính cảnh giới (Bài 43) được giảng học ở chương trình phổ thông trung học dưới góc nhìn của tín hiệu học. Việc tìm ra bản chất và quy trình ra đời, tồn tại, hoạt động của các tín hiệu thẩm mỹ giúp chúng ta có được phương thức để giải mã thấu đáo nội dung tác phẩm cũng như nghệ thuật sử dụng ngôn từ của tác giả. Kết quả nghiên cứu góp phần làm cụ thể hơn việc tiếp cận văn bản Bảo kính cảnh giới (Bài 43) từ góc nhìn tín hiệu thẩm mỹ, đồng thời đưa ra những gợi dẫn hữu ích giúp nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: NGUYỄN THỊ VÂN ANH - NGUYỄN THỊ THÙY TRANG
Tóm tắt: Hệ thống tư pháp có vai trò quan trọng trong mục tiêu bình định, thiết lập trật tự xã hội tạo cơ sở cho việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Do chính sách thuộc địa không nhất quán, chịu ảnh hưởng từ chính quốc và từ chính thực tiễn xã hội Việt Nam nên hệ thống tư pháp mà Pháp áp dụng ở Việt Nam thường xuyên có sự điều chỉnh, dựa trên việc tận dụng hệ thống tư pháp phong kiến và bổ sung thêm ngày càng nhiều các yếu tố của tư pháp tư bản phương Tây. Nghiên cứu tìm hiểu khái quát về hệ thống tư pháp ở Việt Nam từ khi Pháp xâm lược đến năm 1918 theo hai loại hình tư pháp là tư pháp Âu và tư pháp dành cho người bản xứ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 2(308)2024
Tác giả: NGUYỄN LAN DUNG
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​