Tóm tắt: Người Việt có mặt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ khá sớm và cùng với các tộc người khác khai phát, xây dựng nơi đây thành một vùng trù phú. Trong quá trình đó, bên cạnh việc sản xuất, cư dân Việt còn khai thác các sản vật sẵn có trong tự nhiên của khu vực này bằng những tri thức truyền thống được tích lũy qua nhiều đời. Bằng nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập qua khảo sát thực tế và các tài liệu thứ cấp, bài viết trình bày một cách cụ thể việc vận dụng hệ tri thức tộc người trong khai thác tự nhiên của người Việt qua các hoạt động khai thác động vật trên cạn, loài lưỡng cư; khai thác thực vật và đánh bắt cá ở sông, rạch, ao, đìa... tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước đây và hiện nay, và xem đây như là yếu tố đặc trưng trong hoạt động sinh kế của tộc người này nói riêng và các tộc người khác nói chung ở khu vực này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 2(270)2021
Tác giả: LÊ THỊ MỸ HÀ
Tóm tắt: Truyền đơn là một loại hình báo chí đặc biệt, một công cụ tuyên truyền hiệu quả. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng đến việc tuyên truyền, vận động cách mạng. Cùng với báo chí bí mật, truyền đơn đóng vai trò quan trọng, là công cụ tuyên truyền hiệu quả, vũ khí sắc bén của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cao trào cách mạng 1930-1931, đặc biệt là trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Bài viết tìm hiểu việc sử dụng truyền đơn trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) qua các hoạt động soạn thảo, in ấn, rải truyền đơn cũng như nội dung và vai trò của truyền đơn trong thời kỳ này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 2(270)2021
Tác giả: TRƯƠNG THỊ PHƯƠNG
Tóm tắt: Triều Nguyễn thành lập trong bối cảnh các nước tư bản phương Tây đang tìm cách gia tăng sự hiện diện và sức ảnh hưởng ở các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam. Trước xu thế đó, triều đình nhà Nguyễn đã chủ động trong việc tiếp nhận những ảnh hưởng từ phương Tây, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự. Mặc dù trong nửa đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã đạt được một số thành tựu trong hoạt động tiếp thu tri thức khoa học và áp dụng kỹ thuật phương Tây trên lĩnh vực quân sự, tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn vẫn không đủ khả năng để bảo vệ đất nước trước những mưu đồ xâm lược từ bên ngoài, đặc biệt là từ phương Tây.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 2(270)2021
Tác giả: NGUYỄN TRỌNG MINH