Tóm tắt: Trong giảng dạy Vật lý phần Quang học, do đặc điểm môn học, người học dễ cảm nhận và tiếp thu đối tượng, nội dung bài thông qua các phương tiện trực quan, đặc biệt là video clip. Bài viết trình bày kết quả thiết kế các video clip song ngữ Việt - Anh hỗ trợ dạy học Vật lý phần Quang học cho sinh viên tại Trường Đại học An Giang. Kết quả thu được bước đầu cho thấy các video clip ứng dụng trong giảng dạy đã thu hút sự chú ý và hứng thú của người học, góp phần giúp cho giờ học trở nên sinh động và hiệu quả hơn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 2 năm 2019
Tác giả: Nguyễn Phạm Ngọc Thiện - Trần Khánh Trinh - Ngô Tú Trinh
Tóm tắt: Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, được coi là một trong những tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới. Các đô thị cổ, cũng là những thương cảng: Hội An, Vigan, George Town - Penang, Malacca, Semarang, xứng đáng là những viên ngọc trai bên bờ Biển Đông. Với vẻ đẹp hoài niệm và thanh bình, các đô thị cổ đã tạo nên một vành đai di sản ở Đông Nam Á, vòng tròn phố bao quanh hướng biển, không những có giá trị về hàng hải, du lịch, mà còn là một quỹ bảo tồn văn hóa vô giá, một triển lãm sống về những “ngôi làng thế giới”. Bài viết tiếp cận từ hướng nghiên cứu văn hóa đô thị với phương pháp so sánh xuyên văn hóa, nhằm chỉ ra các phương hướng phát triển du lịch, khảo cổ, thám hiểm… thông qua việc nghiên cứu sự nối kết giá trị nền tảng đa văn hóa. Bài viết cũng đề xuất xây dựng một mô hình du lịch biển mới, là sự kết hợp giữa phố - biển - cổ, ba yếu tố đặc thù của vành đai các phố cổ di sản Đông Nam Á.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 2 năm 2019
Tác giả: Đinh Thiện Phương - Nguyễn Đình Tình
Tóm tắt: Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày bùng nổ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam (1979 - 2019). Độ lùi thời gian cho phép nhìn lại sự kiện lịch sử để có sự đánh giá khách quan, từ đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết. Bài viết này phân tích vấn đề từ góc độ quan hệ quốc tế trong hai thập niên 70 và 80 thế kỷ XX nhằm tìm hiểu tác động của mối quan hệ giữa các nước lớn đến tình hình khu vực và đối sách của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 2 năm 2019
Tác giả: Vũ Dương Ninh
Tóm tắt: Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc Việt Nam đã lùi xa 40 năm kể từ khi quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc nước ta, song hậu quả tàn khốc của cuộc chiến vẫn còn đó. Đến nay, hàng nghìn liệt sĩ hy sinh dọc biên giới phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa thể tìm thấy và quy tập. Chưa làm xong, làm nốt công việc này, tất cả chúng ta chưa thấy an lòng. Có lẽ, cần một chính sách đặc biệt hơn, một văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù tập trung giải quyết dứt điểm về cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở biên giới phía Bắc.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 2 năm 2019
Tác giả: Đinh Xuân Dũng - Trần Quốc Dũng
Tóm tắt: Sau chiến thắng năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao để chấm dứt binh đao và đã giao việc này cho Ngô Thì Nhậm - một sĩ phu Bắc Hà đảm nhiệm. Tác phẩm Bang giao hảo thoại là sản phẩm của Ngô Thì Nhậm, được hình thành trong quá trình Việt Nam thực hiện các sứ mệnh ngoại giao với nhà Thanh (Trung Quốc). Bằng nghệ thuật ngoại giao tài tình, Ngô Thì Nhậm đã chấm dứt ý định trả thù của vua nhà Thanh, đẩy lùi quân lính chín tỉnh vùng biên giới phía Bắc, thỏa mãn những yêu cầu của đất nước lúc bấy giờ. Nghiên cứu nghệ thuật ngoại giao Ngô Thì Nhậm giúp chúng ta rút ra được những bài học quý báu về hoạt động ngoại giao trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 2 năm 2019
Tác giả: Lưu Đình Vinh
Tóm tắt: Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, đồng thời phản ánh nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam về nền độc lập, tự do của dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Là hình thái ý thức phản ánh thực tiễn lịch sử đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của dân tộc qua các thời đại, tư tưởng quyền con người ở Việt Nam mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống chính trị và qua các đại biểu tư tưởng tiêu biểu trong lịch sử. Với ý nghĩa này, bài viết khắc họa tư tưởng về quyền con người của Lý Công Uẩn - vị vua anh minh sáng lập triều đại nhà Lý, mở nền độc lập lâu dài trong lịch sử dân tộc.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 2 năm 2019
Tác giả: Đỗ Đức Minh - Nghiêm Thị Thúy Hằng
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​