Tóm tắt: Nếu như việc sử dụng ngôn ngữ là hoạt động giao tiếp văn hóa thì việc sử dụng một ngoại ngữ là hoạt động giao tiếp liên văn hóa. Cho nên việc dạy một ngoại ngữ phải bao gồm việc dạy văn hóa. Phương pháp giao tiếp liên văn hóa có tầm quan trọng trong việc dạy ngoại ngữ, đặc biệt là việc dạy tiếng Anh cho người Việt do sự khác biệt giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 02 năm 2014
Tác giả: NGUYỄN KIM LOAN
Tóm tắt: Bài viết phác thảo diện mạo năm dòng phái Thơ mới tiêu biểu của Trung Quốc trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (Thưởng thí phái, Nhân sinh phái - Vị nhân sinh phái, Sáng tạo xã, Tân nguyệt phái, Thất nguyệt phái). Mỗi nhà Thơ mới trong từng dòng phái tuy có sự sáng tạo độc lập, có bản sắc riêng, cái nhìn riêng,… nhưng đều chung một mục đích hướng đến sự tự do, hiện đại trong sáng tác về ngôn từ, tứ thơ, nội dung và hình thức nghệ thuật. Nhận diện Thơ mới tại Trung Quốc trên các phương diện nội dung, nghệ thuật và quá trình tiếp nhận cho thấy có nhiều điểm tương đồng với phong trào Thơ mới 1932-1945 ở Việt Nam, kể cả hiện tượng các nhà Thơ mới “nhận đường”, “tìm đường” và nhập cuộc vào nền thơ cách mạng và hiện đại sau đó.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 02 năm 2014
Tác giả: NGUYỄN PHƯƠNG THẢO
Tóm tắt: Trên cơ sở khảo sát ngữ liệu ẩn dụ trong các bài diễn thuyết chính trị nổi tiếng của Mỹ, bài viết nêu lên tầm quan trọng và một số đặc điểm của ẩn dụ trong diễn ngôn chính trị, một đề tài nghiên cứu vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Kết quả cho thấy: sự nắm bắt tinh tế trong kết nối các quan điểm chính trị và điển tích trong ẩn dụ giúp tăng tính thuyết phục và tính liên tưởng nơi người tiếp nhận; có 14 miền nguồn thông dụng dùng diễn tả các ý niệm liên quan đến khái niệm nền tảng của hệ thống chính trị Mỹ; một số ẩn dụ tri nhận về ý niệm “tự do” thể hiện sự vận dụng đa dạng các miền ý niệm, và đặc biệt miền ý niệm liên quan đến “tự nhiên” và “giá trị kinh tế/ tài chính” đã khắc họa rõ tính chất của nền văn hóa thực dụng và lối sống gần gũi với thiên nhiên của người Mỹ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 02 năm 2014
Tác giả: NGUYỄN THỊ NHƯ NGỌC
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu tổ chức dòng họ của người Hoa ở Tây Nam Bộ qua việc nghiên cứu chọn mẫu, vận dụng lý thuyết chức năng và lý thuyết lựa chọn duy lý trong ngành nhân học. Bài viết lập luận rằng: a) Nhu cầu và tiến trình tâm lý của cá nhân là nguồn gốc và mục tiêu của những hoạt động và hành vi có tổ chức, cụ thể ở đây xuất phát từ nhu cầu tâm lý hướng về cội nguồn và nhu cầu tương trợ trong cuộc sống mà người Hoa đã kiến tạo nên những tổ chức xã hội (trong đó có tổ chức dòng họ); b) Đồng thời, sự thay đổi của môi trường xã hội đã đưa đến những lựa chọn duy lý và làm thay đổi qui ước chung. Trong bối cảnh của một cộng đồng thiểu số nhập cư ở Tây Nam Bộ, người Hoa đã có những chiến lược lựa chọn duy lý để thiết lập một nền tảng xã hội mới và hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, và điều đó đã làm thay đổi những qui ước mang tính truyền thống của tộc người mình.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 02 năm 2014
Tác giả: NGUYỄN THỊ NHUNG
Tóm tắt: Triết học pháp quyền (1724-1804) là một phần rất quan trọng trong hệ thống triết học của Immanuel Kant nhằm giải quyết vấn đề: tự do của con người có được từ đâu, làm thế nào để đảm bảo quyền tự do đó, và bằng cách nào con người có thể tiến dần đến “vương quốc của tự do” (Reich der Freiheit). Tất cả những vấn đề trên đã được Kant phân tích trong các tác phẩm Siêu hình học của đạo đức (Die Metaphysik der Sitten) (1797); Đặt nền móng cho siêu hình học của đạo đức (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten) (1785); Tiến tới hòa bình vĩnh cửu. Một phác thảo triết học (Zum ewigen Frieden. Ein philosophischer Entwurf) (1795). Mặc dù còn bị hạn chế bởi thời đại, tư tưởng triết học pháp quyền của Kant vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của triết học phương Tây, đặc biệt là đối với thể chế chính trị và pháp quyền nước Đức.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 02 năm 2014
Tác giả: NGÔ THỊ MỸ DUNG