Tóm tắt: Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. Từ dữ liệu thứ cấp, bài viết phân tích những khó khăn hiện nay của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở vùng Tây Nam Bộ trong việc thực hiện công tác dân tộc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Qua các phân tích đánh giá, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác dân tộc của chính quyền cơ sở tại các địa phương vùng Tây Nam Bộ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: NGUYỄN NGỌC DIỄM
Tóm tắt: Trong bối cảnh nhân loại phải đối mặt với sự biến đổi của tự nhiên và sự mất cân bằng sinh thái trầm trọng, vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm nghiên cứu. Trên cơ sở mối quan hệ cộng sinh giữa con người và tự nhiên trong triết lý Phật giáo, dựa vào nguồn tư liệu qua khảo sát, bài viết phân tích vai trò của Phật giáo vùng Đông Nam Bộ trong hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: ĐỖ HƯƠNG GIANG
Tóm tắt: Khám sức khỏe tổng quát định kỳ có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, dự phòng và điều trị bệnh kịp thời cho người dân. Dựa trên kết quả nghiên cứu sử dụng mô hình Binary logistic bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc khám sức khỏe của người dân các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Điều tra định lượng 400 hộ gia đình tại 4 xã thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho thấy, những người trên 60 tuổi và có bệnh mãn tính có tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ cao hơn so với nhóm dưới 60 tuổi và không mắc bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, giới tính và thu nhập cũng có tác động tương đối đến việc khám sức khỏe định kỳ. Trong đó, nữ giới và những người thuộc hộ có thu nhập trung bình trở lên có xu hướng khám sức khỏe định kỳ nhiều hơn so với nam giới và những người thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: NGUYỄN THỊ CÚC TRÂM
Tóm tắt: Nâng cao phúc lợi môi trường và sự hài lòng của người dân góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Dựa trên cuộc điều tra mẫu đại diện của 1.000 hộ gia đình và các phỏng vấn sâu tại 10 xã, phường của tỉnh Đồng Nai năm 2024, bài viết phân tích khả năng tiếp cận các dịch vụ môi trường cơ bản của hộ gia đình và sự hài lòng của người dân về phúc lợi môi trường. Kết quả cho thấy hầu hết hộ gia đình có thể tiếp cận dịch vụ thu gom chất thải rắn và người dân có mức độ hài lòng cao. Trong khi đó, mức độ tiếp cận dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt và thu gom nước thải cũng như mức độ hài lòng của người dân đối với hai lĩnh vực này thấp hơn rõ rệt, đặc biệt là ở nông thôn. Kết quả trên hàm ý về sự cần thiết phải đầu tư hệ thống cấp nước và hệ thống thoát nước thải cho khu vực nông thôn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: LÊ THANH SANG
Tóm tắt: Cư trú tách biệt là một thuật ngữ của xã hội học đô thị, chỉ hiện tượng những nhóm người do sự phân tầng xã hội khác nhau mà cư trú ở những khu vực khác nhau trong cùng một đô thị. Đó là một trong những hiện tượng tạo nên sinh thái học đô thị và cũng là một quá trình lọc hợp quy luật. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp, kế thừa lý thuyết của các nhà nghiên cứu trước, dựa trên dữ liệu định tính được khảo sát tại thành phố Cần Thơ, nghiên cứu tìm hiểu về hiện tượng cư trú tách biệt tại thành phố này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở thành phố Cần Thơ, sự lựa chọn nơi cư trú của các gia đình chịu tác động mạnh mẽ nhất từ mức sống. Khả năng chi trả cho không gian sống chi phối đến nhu cầu, sở thích và nguyện vọng của từng hộ gia đình trong sự lựa chọn này. Điều đó khiến sự cư trú của các tầng lớp xã hội trong cộng đồng đô thị như Cần Thơ ngày càng có xu hướng khu biệt hóa.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: NGUYỄN ĐẶNG MINH THẢO
Tóm tắt: Bài viết phân tích mạng lưới xã hội (SNA) làm rõ tính đồng dạng (homophily) và dị biệt (heterophily) dựa trên chỉ số biến thiên định tính (IQV) trong mạng lưới hỗ trợ nông nghiệp của các nông hộ tại cộng đồng di dân nông thôn Đông Nam Bộ. Từ ba yếu tố chính là quê quán, giới tính và độ tuổi được phân tích cho thấy tính dị biệt chiếm ưu thế trong các mạng lưới, đặc biệt là về độ tuổi và quê quán, trong khi tính đồng dạng chủ yếu thể hiện rõ ở khía cạnh giới tính. Mạng lưới của nam giới có xu hướng đồng dạng hơn, trong khi nữ giới có mạng lưới đa dạng hơn. Mạng lưới của người gốc miền Bắc và miền Trung thường có tính dị biệt cao hơn mạng lưới của người gốc miền Nam, phản ánh sự đa dạng trong các mối quan hệ xã hội nhưng đồng thời cũng cho thấy sự hạn chế của họ về kinh nghiệm canh tác các loại cây trồng phổ biến tại khu vực Đông Nam Bộ như cây cao su và cây ăn trái.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: NGUYỄN NGỌC TOẠI
Tóm tắt: Dựa vào bộ dữ liệu điều tra định lượng và định tính vào năm 2022 tại bốn tỉnh/thành phố của Việt Nam, bài viết tìm hiểu thực trạng tham gia hoạt động từ thiện của người dân và vai trò của các tổ chức từ thiện địa phương trong hoạt động này. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (i) Người dân các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung chủ yếu tham gia các hoạt động từ thiện dưới sự vận động của chính quyền địa phương. Trong khi, tỉnh, thành khu vực Nam Bộ, sự sôi động của các tổ chức phi chính thức trong hoạt động từ thiện đã khuyến khích và thúc đẩy tinh thần từ thiện nói chung của người dân; (ii) Hiện nay, ngoài các khoản đóng góp do được vận động từ phía nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội thì xu hướng lựa chọn đóng góp từ thiện thông qua các mạng lưới phi chính thức mà họ thường xuyên tương tác tại địa phương cũng mang lại nguồn lực đáng kể. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết khuyến nghị giải pháp phát huy nguồn lực nội sinh trong phát triển cộng đồng tại Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: NGUYỄN THỊ NHUNG - NGUYỄN VĂN BÌNH - NGUYỄN PHÚ ĐỨC
Tóm tắt: Sau năm 1975, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng vùng kinh tế mới giải quyết các nhu cầu cấp bách về kinh tế, chính trị, quốc phòng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chính sách về phân bố lại lực lượng lao động, chế độ đãi ngộ và hỗ trợ về lương thực, y tế, giáo dục, sản xuất đối với người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nghiên cứu tìm hiểu chính sách đưa dân đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới trong giai đoạn 1976-1980, đồng thời đưa ra nhận xét về kết quả và hạn chế trong thực hiện chính sách. Kết quả nghiên cứu có thể là những tham khảo hữu ích trong việc xác lập chính sách cho những cộng đồng di cư, trong bối cảnh di cư tự do gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: NGUYỄN THU VÂN
Tóm tắt: Theo WHO, bản dạng giới là cái mà cá nhân cảm nhận về giới của chính mình, các bản dạng này rất phức tạp do các trải nghiệm giới ở từng cá nhân được hình thành bởi đặc điểm giới mà cá nhân đã nội tâm hóa. Bài viết dựa trên dữ liệu định tính với 30 mẫu khảo sát tại TPHCM phân tích về bản dạng của nam bán dâm đồng giới, trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạch định chính sách phòng và chống mại dâm nói chung, và mại dâm đồng tính nói riêng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e3(318)2024
Tác giả: PHÙ KHẢI HÙNG
Tóm tắt: Sử dụng tư liệu khảo sát định tính, nghiên cứu tìm hiểu vấn đề giữ gìn giới luật của phụ nữ Chăm Hồi giáo ở An Giang di cư lên TPHCM qua trang phục, thực hành tôn giáo, qua kiêng kị ăn uống và qua các quy định giao tiếp xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình tương tác trong bối cảnh đô thị ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề gìn giữ giáo luật nơi nhóm người này. Tùy vào mức độ tuân thủ giáo luật của mỗi cá nhân mà vấn đề gìn giữ giáo luật cũng có sự khác nhau. Nghiên cứu cũng cho thấy, các yếu tố tác động trực tiếp đến vấn đề gìn giữ giáo luật của phụ nữ Chăm Hồi giáo nhập cư gồm: việc làm, độ tuổi và tình trạng hôn nhân.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số e4(320)2024
Tác giả: PHAN THANH LỜI
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​