Tóm tắt: Lễ hội truyền thống Việt Nam là chủ đề luôn được sự quan tâm sâu sắc không chỉ của các học giả, nhà nghiên cứu mà còn có sự quan tâm không nhỏ của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc bảo tồn các lễ hội truyền thống là vấn đề bức thiết và có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam trước xu thế giao thoa văn hóa đa chiều và xu thế “thế giới phẳng” hiện nay. Bài viết tập trung trình bày đặc điểm, giá trị của lễ hội truyền thống Việt Nam, thực trạng bảo tồn và một số khuyến nghị nhằm bảo tồn lễ hội truyền thống Việt Nam trước tình hình mới.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 1(322)2025
Tác giả: NGUYỄN THỊ HẢO
Tóm tắt: Qua chặng đường dài gắn bó với nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy văn học, PGS.TS. Nguyễn Đăng Na (1942-2014, quê Đồng Tháp) thực sự có nhiều đóng góp, nổi bật là những khám phá, giải mã, cắt nghĩa nhiều hiện tượng thể loại, tác giả và tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, bao quát từ văn học giai đoạn thời Lý - Trần thế kỷ X-XIV đến hết thế kỷ XIX. Bài viết bàn luận, nhận diện Nguyễn Đăng Na vận dụng lý luận hiện đại vào lý giải các vấn đề thể loại và phương pháp biên soạn Thiền uyển tập anh, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái; phát hiện, hoàn chỉnh tư liệu văn bản và dịch Nam Ông mộng lục, Niên phả ký và một số hiện tượng tác gia, tác phẩm tiêu biểu (Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Không Lộ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Dữ, Lê Tung, Vũ Phương Đề, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Lê Hoan, Nguyễn Đổng Chi)…
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 1(322)2025
Tác giả: NGUYỄN HỮU SƠN
Tóm tắt: Dựa trên kết quả khảo sát điền dã và phân tích, tổng hợp tư liệu, bài viết bàn luận về vấn đề xây dựng chữ viết của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, khi lựa chọn ngôn ngữ DTTS cần được ưu tiên xây dựng chữ viết trước, có thể tập trung vào hai nhóm: 1) ngôn ngữ dân tộc phổ biến trong vùng; 2) ngôn ngữ nguy cấp, có nguy cơ bị mai một.
Khi xây dựng chữ viết ngôn ngữ DTTS, về nguyên tắc chung, cần đảm bảo tính khoa học, tính dân tộc và tính đại chúng. Về phương án kỹ thuật xây dựng chữ viết, chúng tôi cho rằng, phương án hợp lý hơn cả là xây dựng chữ viết mới theo tự dạng Latin. Đặc biệt lưu ý trong việc chọn âm tiêu chuẩn để đặt chữ viết, cần xây dựng chuẩn chính tả trên cơ sở siêu phương ngữ của ngôn ngữ dân tộc được xây dựng chữ viết. Tránh việc chọn một phương ngữ hay thổ ngữ nhất định làm đại diện để quy định chuẩn chính tả cho cả ngôn ngữ của dân tộc.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - Số 1(322)2025
Tác giả: VŨ THỊ SAO CHI - NGUYỄN ĐỨC TỒN