Tóm tắt: Đối thoại và thương lượng tập thể (ĐT&TLTT) một cách thực chất và hiệu quả là điều quan trọng để người lao động và người sử dụng lao động hiểu nhu cầu của nhau và thương lượng với nhau về những vấn đề liên quan đến điều kiện lao động, tiền lương và những vấn đề nảy sinh tại nơi làm việc, qua đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Bài viết tìm hiểu một số chỉ báo đo lường hiệu quả của ĐT&TLTT tại nơi làm việc; trình bày một số kết quả phản ánh thực trạng ĐT&TLTT và đánh giá của khách thể được khảo sát về hiệu quả của hoạt động này tại doanh nghiệp. Bài viết cũng thảo luận về một số yếu tố tác động đến hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp, làm cơ sở đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Lê Thị Mai, Nguyễn Thị Diễm
Tóm tắt: Một trong những nội dung then chốt làm nên sức sống trường tồn và giá trị thời đại của học thuyết Mác là quan điểm con người được tự do phát triển toàn diện. Với C. Mác, phát triển sự phong phú của bản chất con người với mục đích tự thân là “một trong những biện pháp mạnh nhất để cải biến xã hội” hiện tồn, xây dựng chế độ xã hội mới mà ở đó, sự phát triển toàn diện con người là thước đo chung cho sự phát triển xã hội. Bài viết phân tích cơ sở lý luận nền tảng trong chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển con người Việt Nam toàn diện - con người phát triển cả về trí tuệ, thể lực và khả năng lao động, về tính tích cực chính trị - xã hội, đạo đức và tình cảm trong sáng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Nguyễn Nam Thắng
Tóm tắt: Trong phong trào yêu nước vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trí thức là tầng lớp tiên phong trong việc bài trừ những luồng tư tưởng lỗi thời, đề cao tinh thần tự cường dân tộc; và một số cho rằng, để có thể tự cường dân tộc trước hết phải nâng cao sự hiểu biết của người dân, kế đến phải thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần độc lập của toàn dân tộc và cuối cùng là hướng tới việc làm cho dân tộc Việt Nam được giải phóng hoàn toàn. Những tư tưởng này không chỉ đã tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng Việt Nam mà còn là bài học quý giá đối với việc nâng cao hơn nữa tinh thần tự cường dân tộc trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Lưu Mai Hoa
Tóm tắt: Việt Nam và Triều Tiên đã có những giao lưu từ rất sớm, đặc biệt là những trao đổi về văn hóa giữa các sứ thần Việt Nam và Triều Tiên trên đất Trung Hoa. Bên cạnh đó, việc cùng chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và ràng buộc về quan hệ triều cống với các triều đại quân chủ ở Trung Hoa khiến cho Việt Nam và Triều Tiên có nhiều mối tương thông về lịch sử và văn hóa. Bài viết này giới thiệu những thành quả nghiên cứu về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên trong lịch sử.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy
Tóm tắt: Giáo dục địa phương là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, nhằm trang bị cho học sinh những tri thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, nghệ thuật… của địa phương nhằm bồi dưỡng tình yêu quê hương, năng lực và phẩm chất toàn diện của người công dân trong bối cảnh xã hội mới. Trong chương trình Giáo dục địa phương ở bậc giáo dục phổ thông, chủ đề “Truyện kể dân gian địa phương” được thiết kế xuyên suốt các cấp học, nhằm mở rộng và nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản văn học cho học sinh; đồng thời cũng là một phương tiện giáo dục văn hóa địa phương đặc sắc. Từ thực tiễn này, trên cơ sở nghiên cứu và phân tích truyện kể dân gian vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hệ đề tài và chủ đề, chúng tôi làm rõ giá trị văn hóa bản địa của hệ thống truyện kể dân gian vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất sử dụng chúng như một nguồn tư liệu dạy môn Giáo dục địa phương theo hướng tích hợp văn hóa cho các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Đỗ Thùy Trang
Tóm tắt: Nhằm khẳng định giá trị pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, ngày 17 tháng 6 năm 2020, 90,68% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Bài viết phân tích những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến điều kiện về vốn, tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và chế định vốn của công ty cổ phần dưới lăng kính khoa học pháp lý.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Hồ Xuân Thắng, Phạm Hữu Nghĩa
Tóm tắt: Thời phong kiến nói chung và thời Nguyễn nói riêng, quan lại được coi là “rường cột” giúp vua hoạch định chính sách và chuyển chính sách tới người dân. Các vị vua phong kiến dựa trên tư tưởng Nho gia và Pháp gia xây dựng các quy định và biện pháp đảm bảo thực thi chính sách thưởng phạt đối với quan lại. Các quy định đó được thể chế hóa trong các nghị chuẩn của triều đình và bộ Hoàng Việt luật lệ. Chế độ thưởng phạt cùng thực tiễn áp dụng đã góp phần khuyến khích sự công tâm cũng như nghiêm trị những hành vi sai trái của quan lại trong quá trình làm việc; đồng thời củng cố vương quyền triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(281)2022
Tác giả: Phạm Thị Thu Hiền
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​