Tóm tắt: Hội nhập quốc tế là xu thế phát triển khách quan, tuy nhiên, đối với mỗi quốc gia, hội nhập quốc tế luôn là một quá trình phức tạp, vừa mang đến những cơ hội phát triển vừa mang đến những thách thức với nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Bài viết phân tích, luận giải những vấn đề đang đặt ra đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh trong hội nhập quốc tế của Việt Nam và một số nội dung liên quan nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Từ khóa: hội nhập quốc tế, hợp tác và đấu tranh, cơ hội, đấu tranh
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(269)2021
Tác giả: PHẠM XUÂN THIÊN
Tóm tắt: Từ dữ liệu của Cục Thống kê TPHCM, bài viết phân tích những đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp đến nền kinh tế Thành phố. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy những bất cập trong phát huy nguồn nhân lực nội ngành, năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, và xu hướng giảm dần trong mức đóng góp của 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và của kinh tế Thành phố nói chung giai đoạn 2011-2019. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp TPHCM trong giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(269)2021
Tác giả: ĐỖ LÝ HOÀI TÂN
Tóm tắt: Ngành sản xuất và chế biến sản phẩm cao su là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Chuỗi sản xuất cao su thiên nhiên bao gồm khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, trong đó có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu sản xuất, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (phần lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) và các hộ gia đình (còn gọi là cao su tiểu điền). Bài viết tìm hiểu các quy định của pháp luật về lao động có thể áp dụng trong khu vực cao su tiểu điền trong sự so sánh với khu vực doanh nghiệp/nông trường cao su, và thực trạng áp dụng các quy định này. Một số đề xuất chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khu vực cao su tiểu điền cũng được đưa ra trong bài viết này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(269)2021
Tác giả: NGÔ HOÀNG OANH
Tóm tắt: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp 2013 của Nhà nước và văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(269)2021
Tác giả: NGUYỄN THỊ HIỀN OANH
Tóm tắt: Trên cơ sở khai thác nguồn sử liệu gốc được biên soạn dưới triều Nguyễn và một số thành quả nghiên cứu của các học giả có liên quan đến vấn đề lịch sử thiên văn, lịch pháp ở Việt Nam, bài viết bước đầu khảo cứu về lịch Hiệp Kỷ dưới triều Nguyễn (1802-1883). Từ đó làm rõ vấn đề phân loại, quy trình biên soạn, in ấn và ban lịch của các hoàng đế vương triều Nguyễn. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp đối với quá trình nghiên cứu lịch sử thiên văn và lịch pháp Việt Nam ở thế kỷ XIX mà còn góp phần phục dựng “bức tranh” khoa học kỹ thuật của nước ta trong giai đoạn này, qua đó giúp giới nghiên cứu có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn trong việc đánh giá vai trò của triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(269)2021
Tác giả: TRƯƠNG ANH THUẬN
Tóm tắt: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong bối cảnh đất nước ngổn ngang, bộn bề với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách về kinh tế xã hội liên quan mật thiết đến việc xây dựng, phát triển đất nước và phục vụ quốc phòng. Thời kỳ này, những biện pháp tiến bộ trên lĩnh vực kinh tế đã được thực thi. Chỉ trong một thời gian ngắn, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ chiến thắng được “giặc đói”, vượt qua tình trạng kiệt quệ của ngân khố trong những ngày đầu mới giành được độc lập, mà bước đầu đã xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội (Tp. Hồ Chí Minh) - Số 1(269)2021
Tác giả: VÕ VĂN SEN - LƯU VĂN QUYẾT
|
|