30/03/2020
Nghiên cứu này xem xét sự thay đổi của loại hình đồ gốm trong các di tích thời kim khí ở lưu vực sông Vàm Cỏ và giải thích mối tương quan giữa quá trình chuyển đổi phong cách, kỹ thuật và các bối cảnh văn hóa. Phân chia loại hình học gắn với trật tự địa tầng cho thấy đồ gốm trong các di tích giai đoạn kim khí (3.000BP - 2.200BP) có tính kế thừa từ các loại nồi miệng loe, nồi khum không cổ, bát đĩa có chân đế của thời đá mới trước đó, đồng thời cho thấy quan hệ nguồn gốc và những giao lưu nội vùng với các di tích tiền sử Nam Bộ. Trong khi, đồ gốm giai đoạn tiền Óc Eo và Óc Eo sớm (2.200BP đến đầu Công nguyên) cho thấy nhiều sự thay đổi trong kỹ thuật và tạo hình, qua các loại gốm mịn, hình dáng quy chuẩn như bình, bát chân cao, ly cốc và nắp đậy, phong cách đồ gốm thời kỳ này có các ảnh hưởng ngoại lai, kết quả của luồng giao lưu văn hóa qua vùng Nam Bộ được mở rộng và tăng cường. Tuy vậy, do vị trí địa lý nằm sâu trong nội địa, vùng Vàm Cỏ đã có đủ sự tĩnh lặng để tiếp biến các yếu tố mới mà vẫn giữ được tính liên tục của phong cách bản địa qua các loại đồ gốm thô và gốm mịn xương đen, những nhân tố nội sinh của tập hợp gốm Óc Eo sau này.
ĐẶNG NGỌC KÍNH