Tóm tắt: Trong bài viết này,chúng tôi đề cập đến kịch lịch sử với một số vấn đề như: khuynh hướng khai thác chủ đề lịch sử; những đặc điểm xây dựng nhân vật… mà các kịch gia đã thể hiện. Từ đó, những quan điểm, diễn ngôn về lịch sử và đời sống đương thời sẽ được thể hiện thông qua hướng tiếp cận các chất liệu lịch sử trong sáng tác cũng như cảm thụ về kịch lịch sử. Từ khóa: chủ đề, kịch lịch sử, hư cấu nghệ thuật, tính chân thật
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Trần Thị Thư
Tóm tắt: Trong bài viết của sinh viên Hàn Quốc học tiếng Việt, đôi khi người đọc bắt gặp những câu không thể gọi là chỉnh thể. Vấn đề không hoàn toàn nằm ở lỗi ngữ pháp mà là ở việc sử dụng thiếu tường minh các phương tiện liên kết văn bản, cụ thể là liên kết hồi chỉ. Qua khảo sát, những lỗi như vậy tập trung ở ba loại: (1) sử dụng lệch lạc ngữ đoạn hồi chỉ với cương vị là chủ ngữ của tiểu cú hoặc phần đề của câu kế cận với tiền văn, (2) thiếu vắng ngữ đoạn hồi chỉ với cương vị là đơn vị quy chiếu về tiền văn, (3) đặt sai vị trí của ngữ đoạn hồi chỉ. Để điều chỉnh, việc thay thế, bổ sung thêm yếu tố hồi chỉ, chuyển vị hồi tố đến đúng chỗ được xem là những biện pháp cần thiết. Từ khóa: liên kết, tiền văn, phương tiện liên kết, ngữ đoạn hồi chỉ
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hân
Tóm tắt: Văn học Việt Nam được giới thiệu ở Nhật Bản từ đầu thập niên 1930, tăng lên nhanh chóng và có hệ thống từ đầu những năm 1960 đến nay. Bài viết này giới thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu văn học Việt Nam ở Nhật Bản, bao gồm văn học cổ điển (viết bằng chữ Hán, chữ Nôm) và văn học hiện đại (viết bằng chữ Quốc ngữ Latin). Phần đầu giới thiệu các thế hệ học giả Nhật Bản nghiên cứu văn học Việt Nam và những công trình chung của họ, phần sau trình bày riêng các nghiên cứu Nguyễn Du - Truyện Kiều, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh - những tác giả được học giới Nhật Bản yêu thích, quan tâm đặc biệt.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Đoàn Lê Giang
Tóm tắt: Tuồng là loại hình nghệ thuật duy nhất phát triển ở Nam Bộ vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều kịch bản hay và độc đáo. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tìm hiểu về tuồng hiện nay đang khó khăn và có nhiều thách thức đối với các nhà nghiên cứu. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến một số khó khăn khi tiếp cận nghiên cứu về kịch bản tuồng Nam Bộ trước năm 1945, về nguồn gốc, tác giả, phân loại kịch bản cũng như tư liệu và sự hạn chế về lịch sử nghiên cứu. Từ khóa: tuồng, kịch bản tuồng, kịch bản tuồng Nam Bộ
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Huyền Trang
Tóm tắt: Chàng trai khỏe là một hình tượng khá phổ biến trong kho tàng truyện cổ tích thế giới, thể hiện qua nhiều motif khác nhau. Qua việc làm rõ sự giống và khác nhau của các motif cấu thành nên nhân vật trong truyện cổ tích hai dân tộc để giải mã những biểu hiện văn hóa dân tộc ẩn chứa trong đó.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang
Tóm tắt: Cải lương là thể loại sân khấu độc đáo của dân tộc. Nó vừa giữ gìn dòng âm nhạc truyền thống (nhạc cung đình Huế) vừa đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của công chúng thời đại (kịch nói ở phương Tây), lại kết hợp với thể loại sân khấu cổ truyền (hát bội). Bởi vậy cải lương mang vẻ đẹp của kịch bản ở văn minh phương Tây, cùng với tiếng hát và điệu bộ diễn tả của truyền thống dân tộc, trong đó phần truyền thống đóng vai trò quyết định. Bài viết khái quát lại những đặc trưng và giá trị của cải lương để hiểu một cách đầy đủ hơn về loại hình nghệ thuật này, góp phần bảo tồn, phát triển mà vẫn giữ được bản sắc của cải lương trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Từ khóa: cải lương, nghệ thuật cải lương, Nam Bộ
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Huỳnh Đức Thiện
Tóm tắt: Theo số liệu thống kê của Hàn Quốc, các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này. Tuy nhiên, trong số đó, có những gia đình phải trải qua nhiều sóng gió do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, đặc biệt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ em, trong đó có ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt là tiếng Việt. Bài viết này nhằm nghiên cứu vấn đề sử dụng ngôn ngữ của trẻ em trong các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt (có bố là người Hàn, mẹ là người Việt), đang sống tại Hàn Quốc. Qua việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ em, chúng ta có thể hiểu quan điểm của các gia đình này về ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước, từ đó có các giải pháp phát triển song ngữ Hàn - Việt cho trẻ em, nhằm bảo tồn “ngôn ngữ di sản” - tiếng Việt cho trẻ em trong các gia đình đa văn hóa. Từ khóa: Gia đình đa văn hóa Hàn - Việt, trẻ em, ngôn ngữ di sản - tiếng Việt, cha Hàn Quốc, mẹ Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Trần Thị Mai Nhân
Tóm tắt: Văn du ký ở Việt Nam có một lịch sử riêng.Khái niệm văn du ký có nội hàm rộng và có quan hệ với quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc nhưng trong một thời gian khá dài, văn du kýchưa được giới nghiên cứu phê bình nước ta chú ý thích đáng. Có thể phân chia văn du ký thành một số thời kỳ khá rõ ràng với những đặcđiểm riêng:Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX có nhiều điểm khác với du ký truyền thống, nguyên nhân cơ bản là văn du ký hiện đại của kiểu tác giả mới, diễn tả tư tưởng và cảm xúc mới của lớp người sống trong môi trường xã hội khác thời trung đại, tiếp nhận những ảnh hưởng văn học Phương Tây, trong đó có văn du ký; Văn du ký hiệnđại (từ đổi mới đến nay) còn mang nhiều hơn nữa nhữngảnh hưởng ngoại lai cũng như phát huy rất nhiều nội lực của bản thân thể du ký. Vấn đề nàyđòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục đề tài này.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Thúy Hằng
Tóm tắt: Trong hệ thống làng Bắc Bộ, Đường Lâm được biết đến là một vùng đất cổ. Đây là một không gian còn lưu giữ được rất nhiều đặc trưng của làng Việt cổ truyền thống với cơ cấu tổ chức làng xã và những quần thể di tích kiến trúc cổ khá nguyên vẹn, cùng nhiều tập tục phản ánh lối sống của người xưa. Bài viết nghiên cứu những biến đổi về đời sống kinh tế - xã hội của làng cổ Đường Lâm trong thời kỳ Đổi mới, các hoạt động kinh tế nông nghiệp, kinh tế thương nghiệp và dịch vụ, kinh tế du lịch văn hóa làng cổ; và những biến đổi về văn hóa như không gian, cảnh quan, các phong tục, tập quán và kết cấu cộng đồng. Từ khóa: đô thị hóa, biến đổi, Đổi mới, truyền thống, làng cổ, Đường Lâm
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Anh
Tóm tắt: Khi khảo cứu về thương mại xứ Thuận - Quảng thế kỷ XVI - XVIII, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến vai trò của các nguồn hàng và thương phẩm. Đây được coi là xương sống tạo nên sự vận hành các mối quan hệ kinh tế của Đàng Trong. Không thể phủ nhận rằng chính sự đa dạng của các không gian địa lý là nhân tố quan trọng tạo nên sự phong phú, đa dạng các chủng loại hàng hoá, đáp ứng nhu cầu cao của nhiều thuyền buôn ngoại quốc. Với sự kéo giãn không ngừng của không gian địa lý Đàng Trong, chúa Nguyễn thông qua đó thu về nhiều mối lợi về kinh tế và khẳng định uy thế vững chắc của Đàng Trong trong khu vực. Chính quyền Thuận Hoá bằng những chính sách thoáng mở và độc đáo đã kết nối được các không gian trên lãnh thổ Đàng Trong, thu về các nguồn thương phẩm mang giá trị thương mại cao để phục vụ cho các hoạt động buôn bán tại các cảng thị. Từ khóa: Đàng Trong, Thuận - Quảng, chúa Nguyễn, địa lý
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Vũ Thị Xuyến
Tóm tắt: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), với chính sách dân tộc đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động được sự đồng lòng và chung tay của nhiều dân tộc thiểu số. Trong đó, có sự tham gia tích cực của đồng bào Khmer Nam Bộ (chủ yếu là ở Tây Nam Bộ). Với tinh thần đoàn kết, yêu nước sâu sắc, đồng bào Khmer Nam Bộ đã kiên trung đi theo kháng chiến dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Những đóng góp của đồng bào Khmer rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là vai trò to lớn của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông. Từ khóa: đồng bào Khmer, Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết, kháng Pháp, Nam Bộ
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Lưu Văn Quyết - Huỳnh Tâm Sáng
Tóm tắt: Khái niệm u huyền (tiếng Trung 幽玄; tiếng Nhật - Yegenゆげん) là khái niệm rất quan trọng và phổ biến trong thế giới quan phương Đông. Khái niệm này mang nội dung mỹ học rõ nét nếu nhìn từ các nước Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa chữ Hán (Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam). U huyền đóng vai trò cốt lõi trong hạt nhân mỹ học thông qua cách nhìn, cách hiểu, cách cảm thế giới của con người thiền; sinh thái u huyền bao hàm môi trường tâm linh, môi trường tự nhiên và môi trường sáng tạo cùng gặp nhau trong sự hiểu biết viên mãn về cõi thanh tịnh. U huyền tạo ra dư âm và dư tình cho thơ thiền, thách thức mọi nguyên tắc thiền học kiên cố. Nó cũng tạo ra sinh quyển tỉnh thức từ ái trong thơ thiền, kết nối các dòng tư duy thơ ca cổ điển khu vực Đông Á. Đặc biệt, nó là điểm gặp gỡ lớn nhất của nền mỹ học Nhật Bản, nơi hội đủ năng lượng của khái niệm Mẹ để tương sinh các khái niệm vĩ đại khác: aware, yoen,… Từ khóa: sinh quyển u huyền, thơ thiền, mỹ học Nhật Bản
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Lưu Thị Thanh Tâm
Tóm tắt: Bài viết này, trao đổi một số vấn đề về nội dung và phương pháp giảng dạy cơ sở văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Để đảm bảo chuyển tải được bức tranh toàn cảnh về văn hóa Việt Nam với những đặc trưng riêng và những khác biệt giữa các dân tộc, vùng miền, cùng với một bề dày lịch sử phức tạp, phần nội dung được chúng tôi thiết kế thành 15 chủ đề - bài giảng (15 đơn vị bài học) được dạy trong 45 giờ tín chỉ. Với việc thiết kế một "đơn vị bài học", chúng tôi tham khảo cách làm của Giselle O. Martin-Kniep theo quy trình 4 bước: Lựa chọn tâm điểm tổ chức tích hợp; Trình bày cơ sở đặt vấn đề; Nêu các câu hỏi cốt lõi và câu hỏi gợi mở; Tạo ra cơ hội học tập và phát triển cơ hội đánh giá. Cuối cùng, chúng tôi đề xuất một số phương pháp giảng dạy văn hóa Việt Nam phù hợp với sinh viên nước ngoài như: Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề (problem based learning); Phương pháp dạy học theo nhóm (Group based Learning); Phương pháp dạy học tương tác (interactive method). Từ khóa: nội dung, phương pháp giảng dạy, văn hóa Việt Nam, sinh viên nước ngoài, Việt Nam học
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt
Tóm tắt: Hoạt động sinh kế từ rừng của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Lang Biang đã được nghiên cứu và công bố trong nhiều công trình trước đây. Năm 2015 Lang Biang trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới và hoạt động mưu sinh từ rừng có nhiều thay đổi. Sự thay đổi này sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững của Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang trong tương lai. Bằng phương pháp quan sát - tham dự và phỏng vấn sâu từ hai cuộc điền dã vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng, nhóm tác giả bài viết đã khái quát về sự thay đổi h sinh kế hiện nay của các tộc người thiểu số tại đây chịu tác động từ các yếu tố, như: di cư, giá trị tiền tệ, niềm tin tôn giáo, trao đổi thị trường.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 10 và 11 năm 2018
Tác giả: Huỳnh Ngọc Thu -Lê Thị Mỹ Hà - Nguyễn Thị Hương
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​