Tóm tắt: Giồng Nổi là địa điểm khảo cổ học tiền sử đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Bến tre, có vị trí quan trọng trong nghiên cứu về tiến trình phát triển của thời tiền - sơ sử Nam Bộ. Bộ sưu tập di vật phát hiện tại đây phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và chủng loại, bao gồm các loại hình đồ đá, đồ gốm, đồ xương... Thông qua so sánh loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tạo và hoa văn trang trí của di vật đá, gốm và nhất là việc tìm thấy đồ gốm wavy-rimmed, bài viết góp phần nhận thức về (1) các mối quan hệ văn hóa giữa Giồng Nổi với các di tích Đông Nam Bộ và lưu vực sông Vàm Cỏ thời tiền - sơ sử và (2) quá trình phát triển của Giồng Nổi với khung niên đại giai đoạn sớm khoảng 3.500 - 3.000 năm BP và giai đoạn muộn kết thúc khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH - LÊ HOÀNG PHONG
Tóm tắt: Du lịch sinh thái được xem là “chìa khóa” trong cuộc chiến chống đói nghèo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Một trong những đặc trưng cơ bản, cũng là nguyên tắc và mục tiêu hướng tới của du lịch sinh thái đó là mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Việt Nam có tiềm năng phong phú phát triển du lịch sinh thái như hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, thung lũng, ruộng bậc thang, cao nguyên, vùng hồ, miệt vườn, sông nước, hang động, hệ sinh thái vùng ven đô… Nhằm tăng cường vai trò của du lịch sinh thái với giảm nghèo ở các tộc người thiểu số, bài viết đưa ra một số đề xuất về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái trong cả nước; xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái; đào tạo nguồn nhân lực là người dân địa phương để tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT
Tóm tắt: Từ tiếp cận sinh thái nhân văn, bài viết luận giải về hiện trạng hệ thống nông nghiệp trên cơ sở phân tích dịch vụ sinh thái ở xã Bờ Y (Kon Tum) và xã Sơn Kim 1 (Hà Tĩnh) thuộc biên giới Việt Nam- Lào; trong đó xem xét mối tương quan giữa hệ thống nông nghiệp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội và cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Bài viết sử dụng dữ liệu định lượng từ 200 hộ gia đình và các cuộc phỏng vấn sâu, cũng như áp dụng phân tích hình ảnh không gian nhằm đánh giá độ che phủ đất như là sự phản ứng của dịch vụ sinh thái. Kết quả cho thấy Bờ Y có hệ thống nông nghiệp đồng nhất, thâm canh cây công nghiệp nhưng là nơi có dịch vụ sinh thái nghèo nàn và thiếu tính ổn định; trong khi đó Sơn Kim 1 lại có sự đa dạng hơn về hệ thống nông nghiệp nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi chính sách bảo vệ và tái tạo rừng, đã góp phần làm cho dịch vụ sinh thái ở đây ổn định và đảm bảo tính đa dạng sinh học.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: VÕ DAO CHI - LÊ THANH SANG
Tóm tắt: Trong 30 năm (1988 - 2018) kể từ khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mặt tại Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ luôn dẫn đầu cả nước về số dự án và tổng vốn đầu tư. Tuy FDI có sự chênh lệch cao giữa các tỉnh, thành trong vùng nhưng FDI đã phát triển được nhiều ngành nghề ở mọi lĩnh vực, trong đó công nghiệp - xây dựng có ưu thế vượt trội về số lượng dự án cũng như nguồn vốn FDI. Bên cạnh đó, FDI tạo nhiều việc làm góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp của người lao động, từng bước hình thành một đội ngũ quản lý và công nhân có tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, một số vấn đề đặt ra đối với vùng cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo thu hút FDI và phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: NGUYỄN THỊ VÂN
Tóm tắt: Bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc đóng cửa khu vực phi thuế quan của cửa khẩu Cầu Treo và chính sách đóng cửa rừng của Lào, kinh tế của xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn-Hà Tĩnh) đã chuyển từ thương mại và khai thác rừng là chính sang phát triển chăn nuôi. Bài viết dựa trên kết quả định lượng và định tính của cuộc khảo sát từ đề tài “Phát triển bền vững ở Lào và ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” và phương pháp phân tích SWOT để phân tích thực trạng và đánh giá một số mô hình chăn nuôi hiện tại của xã Sơn Kim 1, từ đó đưa ra một số hạn chế của các mô hình này. Trên cơ sở lý thuyết phát triển chăn nuôi bền vững và mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi, bài viết đã đề xuất định hướng xây dựng mô hình hợp tác xã chăn nuôi cho xã Sơn Kim 1, đồng thời thảo luận một số vấn đề đặt ra trong quá trình hình thành và phát triển mô hình này đối với địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: PHAN TUẤN ANH
Tóm tắt: Đương đại là một thời kỳ với nhiều chuyển biến mạnh mẽ và bất khả đoán trên nhiều phương diện. Bài viết nhận điện các đặc điểm tư tưởng của thời đương đại và đề cập đến một số vấn đề nổi bật mà nhân loại đang phải đối mặt trong thời đương đại từ nửa sau thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI như toàn cầu hóa kinh tế, cuộc CMCN lần thứ tư, khủng hoảng môi trường ở cấp độ toàn cầu và sự phân tán quyền lực như một thách đố cho nền chính trị đương đại. Kết quả cho thấy các vấn đề thực tiễn đương đại có những điểm chung như tính đan xen và thâm nhập vào nhau giữa tính hiện đại và hậu hiện đại, giữa cái trung tâm và phi trung tâm, giữa cái duy lý và phi lý, mâu thuẫn, phức tạp, bất ổn và nhiều yếu tố khác.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: TRẦN THANH PHƯƠNG
Tóm tắt: Giá trị sống có thể được hiểu là những gì mà mỗi người cho là quý giá, quan trọng, có ý nghĩa đối với cuộc sống của mình. Trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng, giá trị sống của người trẻ ở một thành phố lớn như TPHCM hiện nay là gì. Nghiên cứu này dựa trên sự phân tích quan niệm về hạnh phúc của thanh niên đã cho thấy giá trị sống của thanh niên thành phố hiện nay thiên về những giá trị mang tính chất cá nhân, tuy nhiên vẫn còn đó sự hướng tới những giá trị mang tính chất cộng đồng, xã hội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội số 9 năm 2019
Tác giả: HOÀNG THỊ THU HUYỀN - PHẠM THỊ THÚY - TRẦN THANH HỒNG LAN
​​
Tạp chí khoa học xã hội                                               
 270 Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, 
TP. Hồ Chí Minh
​​​​​​